Là điạ phương có khá nhiều lợi thế về các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), từ năm 2003, Đông Sơn đã triển khai thực hiện sâu rộng Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển CN-TTCN.


Theo đó, huyện thành lập ban chỉ đạo nghề; xây dựng chương trình, kế hoạch tập trung chỉ đạo phát triển những ngành nghề TTCN trên địa bàn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Huyện cũng lập quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm nghề, các tụ điểm kinh tế; tạo điều kiện ưu tiên phát triển ngành nghề TTCN; hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp thu hút nghề mới, nghề truyền thống gắn với hỗ trợ đào tạo nghề và đầu tư một phần hạ tầng trong các khu công nghiệp...

Hiện nay, huyện Đông Sơn đã quy hoạch xây dựng khu công nghiệp vật liệu xây dựng Vức với diện tích 176,33 ha; khu công nghiệp Đông Lĩnh 8,59 ha; cụm nghề Đông Tiến 19,1 ha và cụm nghề Đông Hưng 13,6 ha thu hút gần 60 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nhằm đẩy mạnh phát triển CN-TTCN, huyện chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp thuê đất và tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong quy hoạch khu công nghiệp và cụm nghề. Bên cạnh đó, huyện Đông Sơn đặc biệt chú trọng việc duy trì, khôi phục nghề truyền thống từ nguồn tài nguyên quý giá là đất và đá để sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Trong chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nghề, Đông Sơn tập trung các nghề đang duy trì và có điều kiện phát triển, có khả năng thu hút nhiều lao động như: đá trang sức, đá mỹ nghệ, thêu ren, sản xuất cầu lông, đúc đồng. Hiện tại, trên địa bàn huyện, nghề sản xuất đá trang sức đang phát triển mạnh, các cơ sở đá trang sức đã đầu tư các trang thiết bị máy móc, nhà xưởng và thu hút các lao động được đào tạo có việc làm ổn định tại địa phương. Tận dụng lợi thế này, hàng năm, huyện mở nhiều lớp đào tạo nghề chế tác đá trang sức. Chỉ tính riêng năm 2009, tỉnh và huyện đã mở 14 lớp đào tạo nghề chế tác đá trang sức cho 420 lao động nông thôn và lao động thuộc diện hộ nghèo. Từ chỗ chỉ có 2 hộ với 30 lao động ở xã Đông Hoàng, đến nay nghề đã phát triển cả ở các xã Đông Minh, Đông Ninh, Đông Khê với trên 50 cơ sở sản xuất, thu hút 1.500 lao động. Do có sự tăng thêm về số lượng, quy mô các doanh nghiệp, hộ sản xuất; công tác quản lý Nhà nước được tăng cường; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện nên giá trị sản xuất trong lĩnh vực CN-TTCN có mức tăng trưởng khá, chủng loại sản phẩm và hàng hóa đa dạng, phong phú. Vì thế, trong những năm gần đây, CN-TTCN ở huyện Đông Sơn không ngừng phát triển. Năm 2009, giá trị CN-TTCN đạt gần 573 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm ước đạt 312 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu trên 9,5 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 280 doanh nghiệp, trên 1.000 cơ sở sản xuất lớn nhỏ, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Ngành nghề TTCN ở Đông Sơn phát triển mạnh đã thu hút thêm nhiều lao động đi làm ăn xa trở về sản xuất ngay tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo đảm an ninh nông thôn. Để phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển CN-TTCN, Đông Sơn tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, ổn định sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp sau khi cấm khai thác đá tại núi Nấp, đồng thời tập trung đào tạo, mở rộng ngành nghề có thế mạnh như đá trang sức Đông Hoàng, đá mỹ nghệ Nhồi, đúc đồng Đông Tiến gắn với thu hút ngành nghề mới, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trước mắt, Đông Sơn tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án triển khai đúng tiến độ... phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2010 đạt 620 tỷ đồng.
 

Thanh Huê