Ngày 13/1/2010, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2010 khối công thương địa phương”. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, Ông Nguyễn Đình Hoàng Long – Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, lãnh đạo các Sở Công Thương trong cả nước, cùng đông đảo các phóng viên báo chí truyền hình.


Năm 2009, những khó khăn, thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương đã phối hợp triển khai kịp thời, nghiêm túc các giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ, giúp các doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Nhờ đó, đến đầu quý 2 năm 2009, sản xuất công nghiệp bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại và tăng liên tục cho đến tháng 12/2009, với tốc độ tăng của tháng sau cao hơn tháng trước.

Tính chung 12 tháng, GDP công nghiệp và xây dựng tăng 5,4%, riêng công nghiệp tăng 3,8%; Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tăng 7,6% so với thực hiện năm 2008, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 9,9%, cao nhất trong các khu vực kinh tế; Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt 56,73 tỷ USD, giảm 9,5% so với năm 2008, nhập siêu ước khoảng 11,9 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 21,1%, giảm so với năm 2008 (năm 2008 là 28,5%); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm ước đạt khoảng 1.200.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2008; CPI cả năm dự kiến tăng không quá 6,5% so với tháng 12 năm 2008.

Một số tỉnh, thành phố có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp lớn, duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ (chiếm 59,7% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước).

Về các sản phẩm công nghiệp, trong số 36 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, chỉ có 13/36 sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn 7,6%; 10/36 sản phẩm tăng thấp hơn 7,6% và có đến 13/36 sản phẩm giảm so với năm 2008. Nhóm các sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao tập trung vào than sạch khai thác tăng 9,9%, dầu mỏ thô khai thác tăng 9,8%, khí hóa lỏng (LPG) tăng 39,3%, bia các loại tăng 8,5%, thuốc lá điếu tăng 10,5%, giày dép, ủng bằng giả da cho người lớn tăng 9,6%, xà phòng giặt các loại tăng 20,2%, xi măng tăng 19,2%, thép tròn các loại tăng 19,1%, điều hòa nhiệt độ tăng 41,8%, tủ lạnh tủ đá tăng 29,5%, điện sản xuất tăng 11,9%, nước máy thương phẩm tăng 9,7%.

Về hoạt động khuyến công, năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả, hoạt động khuyến công quốc gia vẫn duy trì, phát huy được các thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, và ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm. Nhiều hoạt động mới được đẩy mạnh thực hiện như: hỗ trợ thành lập Hiệp hội ngành nghề; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ thành lập các điểm tư vấn; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp- TTCN,….Nhiều đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện các đề án khuyến công có chất lượng cao, quy mô đề án lớn, có tính trọng tâm, trọng điểm (Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ,…).

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2009 ngành công thương địa phương vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: tốc độ tăng trưởng GTSXCN ngành công nghiệp đạt 7,6%, thấp nhất trong giai đoạn 2006 – 2009; Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực phục vụ cho xuất khẩu và phục vụ các ngành sản xuất khác trong nước có sự sụt giảm đáng kể; Tình hình thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, đầu tư sản xuất vào cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn; Việc xác định những ngành, nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng lợi thế của từng địa phương, vùng, miền,… để hoạt động khuyến công hỗ trợ chưa rõ nét; Công tác xây dựng, giao kế hoạch và tổ chức thực hiện, thanh quyết toán kinh phí khuyến công quốc gia vẫn còn chậm; Đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại Cục còn thiếu...

Năm 2010, ngành Công Thương đề ra mục tiêu: ”Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cao hơn năm 2009 ở mức cao nhất; tập trung khai thác tối đa thị trường trong nước; bảo đảm đáp ứng nhu cầu nền kinh tế những sản phẩm công nghiệp chủ yếu; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quôc tế trong lĩnh vực công thương; giữ ổn định thị trường hàng hóa trong nước không để xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong ngành”. Cụ thể , tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%; Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%, khu vực dịch vụ tăng 7,5% so với năm 2009; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương đã đề  ra các giải pháp cơ bản như:
Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển các ngành - vùng - sản phẩm, khu - cụm công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 của địa phương; Tiếp tục theo dõi, bổ sung hoàn thiện nội dung các văn bản quy phạm pháp luật năm 2009 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ. Tổ chức triển khai, hướng dẫn các địa phương thực hiện sau khi được ban hành; Phối hợp với các Sở Công thương tổ chức các Hội nghị ngành công thương của 05 vùng theo hướng gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương; tăng cường đẩy mạnh liên kết Vùng;Phối hợp với Sở Công Thương đôn đốc, giúp đỡ các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục thực hiện một cách có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, đồng thời tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án để nâng cao năng lực sản xuất trong năm tới; Triển khai thành lập Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp khu vực miền Trung (Trung tâm khuyến công 2) nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại khu vực này;Tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung, kết quả, tiến độ thực hiện kế hoạch khuyến công. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách pháp luật cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công tại Cục CNĐP và các Trung tâm Khuyến công để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã biểu dương những thành tích đã đạt được của khối Công Thương địa phương trong năm 2009 và hi vọng khối Công Thương địa phương sẽ tiếp tục phấn đấu để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra trong năm tới 2010.

Quang Lâm, Cục CNĐP