"Dự trữ quốc gia của ta 22 tỷ USD, một phần số đó đã dành cho các gói kích cầu. Nếu lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ hai phải mất 12 tỷ USD, vậy tiền đâu ra?", đại biểu Bế Xuân Trường băn khoăn khi Quốc hội thảo luận về dự án năng lượng điện hạt nhân.


Thảo luận về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, vấn đề được đại biểu quan tâm nhất là an toàn bức xạ. Dẫn ra hàng loạt sự cố trong 60 năm qua, trong đó có thảm họa nguyên tử Chernobyl năm 1986 ở Ukraina, với hàng trăm nghìn người chết và bị nhiễm phóng xạ, trung tướng Trần Hanh cho rằng "phải đặt vấn đề an toàn phóng xạ là tối thượng". Ông Hanh cũng như nhiều đại biểu khẳng định dù tốn kém cũng phải lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ ba trở lên để tăng tính an toàn, thay vì lựa chọn lò thế hệ hai như Chính phủ đề xuất.

Mổ xẻ các yếu tố đảm bảo cho sự an toàn thì các đại biểu thực sự lo lắng. Để thực hiện dự án, Việt Nam phải dựa gần như hoàn toàn vào nước ngoài, từ nhân lực, nguyên liệu, vốn đầu tư (75-85% phải vay), đến thiết bị công nghệ. Theo ông Đinh Xuân Thảo, cả nước chỉ có khoảng 70 chuyên gia được đào tạo từ thời Liên Xô cũ, nay đã già yếu. Trong khi theo Chính phủ, để vận hành 4 lò phản ứng hạt nhân của hai nhà máy ở Ninh Thuận cần 600-800 người, còn cá nhân ông tính toán phải cần khoảng 1.200 người.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết lại nhìn từ góc độ nguyên liệu. "Nếu ta mua họ lại đưa ra 1.001 lý do để không bán hoặc trì hoãn việc bán thì sao? Theo tính toán, xây xong hai nhà máy điện hạt nhân cần đến 900 triệu USD mua thanh nhiên liệu, sau đó cứ 18 tháng phải mất 320 triệu USD để thay thế các thanh này. Urani của thế giới sắp cạn, nếu họ bán giá cao ta có chịu nổi không?", ông Thuyết đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng chia sẻ nỗi lo: "Chính phủ nói urani giá rẻ, nhưng nó không phải vô tận. Báo cáo lạc quan nhất của thế giới cho rằng 100 năm nữa sẽ hết. Khi nó cạn kiệt sẽ trở nên khan hiếm và giá đắt chẳng khác nào vàng đen". Khẳng định dựa hoàn toàn vào nhiên liệu nước ngoài là rất nguy hiểm, đại biểu Nguyễn Trung Nhân cho rằng phải tính tới khai thác từ trong nước.

Một nỗi lo khác là gánh nặng nợ quốc gia. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói: "12 tỷ USD đầu tư cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chiếm tới nửa ngân sách nhà nước. Đó là ta mới tính khi lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ hai, nếu lựa chọn thế hệ ba phải 16 tỷ USD, thế hệ ba cộng phải hơn nữa. Ta cũng chưa tính tới yếu tố trượt giá (dự kiến lò phản ứng đầu tiên khởi công năm 2014 và đưa vào sử dụng năm 2022".

"Dự trữ quốc gia của ta 22 tỷ USD, một phần số đó đã dành cho các gói kích cầu. Nếu lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ hai phải mất 12 tỷ USD, vậy tiền đâu ra?", đại biểu Bế Xuân Trường đặt câu hỏi. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương thì băn khoăn: "Nếu vay tới 75-85% vốn đầu tư, tức là phải lệ thuộc vào tài chính của nước ngoài thì liệu có làm chủ được mình? Điện hạt nhân trở thành gánh nợ của con cháu".

Từ những lo lắng trên, hầu hết đại biểu đề nghị trước mắt nên xây một nhà máy với hai lò phản ứng để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị nhân lực, cũng như giảm gánh nợ quốc gia. "Nếu thiếu điện thì bù đắp bằng cách tiết kiệm. Hiện ta rất lãng phí ở cả khâu sử dụng và khai thác. Ngoài ra, cần phát triển năng lượng thân thiện với môi trường như gió, mặt trời. Nguồn năng lượng này từ miền Trung trở vào Nam rất lớn và ổn định", đại biểu Trần Văn đề xuất.

Riêng đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không tán thành chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân. Ngoài những lý do đã nêu, ông phân tích thêm: "Hiệu quả kinh tế của điện hạt nhân là rất thấp. Theo tính toán thì đến năm 2025, điện hạt nhân chỉ cung cấp 4,4% nhu cầu điện năng quốc gia. Giá điện hạt nhân cao cấp 3 lần giá điện hiện nay". Để giải bài toán thiếu điện, ông Thuyết đề nghị tăng cường tiết kiệm, phát triển năng lượng tái tạo và mua điện của nước ngoài.

Trước quá nhiều trăn trở của đại biểu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã xin phép được giải trình. Ông Hoàng khẳng định dù lựa chọn công nghệ nào thì vẫn phải đảm bảo sự hiện đại, tiên tiến, đã được kiểm chứng, có hiệu quả và vận hành an toàn. Chính phủ tính toán lựa chọn công nghệ thứ hai trở lên, có nghĩa là có thể chọn công nghệ ba, hoặc ba cộng. Ở giai đoạn sau lập dự án đầu tư, căn cứ tình hình cụ thể, Chính phủ sẽ lựa chọn và báo cáo Quốc hội.

Lý giải việc xây dựng hai chứ không phải một nhà máy hạt nhân, ông Hoàng cho rằng xuất phát từ bài toán cân bằng năng lượng. "Từ năm 2015 trở đi ta phải tính đến nguồn thay thế dần năng lượng hóa thạch truyền thống của ta. Vì than đang cạn dần, dầu khí cạn rất nhanh và cho đến giờ ta không có thêm năng lượng thay thế", ông nói.

Bộ trưởng cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo. "Đúng là chúng ta có thể tiết kiệm được 20% năng lượng đang sử dụng (điện, dầu khí), nhưng phải có quá trình. Vì khi dùng năng lượng tiên tiến thì đồng nghĩa lao động giảm đi, ta phải giải quyết bài toán vừa đưa công nghệ mới vào nhưng phải giải quyết việc làm cho lao động. Thế nên không thể ngày một ngày hai đạt được mục tiêu tiết kiệm 20% năng lượng", ông nói.

Về năng lượng tái tạo, khẳng định Việt Nam không tụt hậu, trong tính toán đến năm 2030 sẽ có khoảng 1.000 MW năng lượng mặt trời, gió, nhưng ông Hoàng cho rằng dạng năng lượng này mới, suất đầu tư cao, và hiệu quả kinh tế thấp. "Do tính chất tự nhiên một năm chúng ta chỉ có thể huy động 2.000 giờ đối với năng lượng gió và hơn một chút đối với năng lượng mặt trời. Những lúc thiếu thì không thể có nguồn năng lượng nào bù đắp nếu không tính đến nguồn năng lượng khác, như hạt nhân", ông nói.

Về khả năng mua điện nước ngoài, Bộ trưởng cho rằng không phải Việt Nam, nguồn năng lượng dầu khí, than của thế giới cũng đang cạn. Nhập khẩu sẽ ngày càng đắt. "Nếu so sánh với nhà máy thủy điện chạy than và chạy khí nhập khẩu thì không hiệu quả bằng chúng ta xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Còn nhập khẩu năng lượng từ Trung Quốc hay Lào thì khả năng có hạn và cũng không bù đắp được sự mất cân bằng cân đối cung cầu năng lượng", ông nói.

Trước lo lắng nguồn nguyên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, Bộ trưởng giải thích đến năm 2030 phải nhập khẩu, còn sau đó sẽ nghiên cứu sản xuất trong nước. "Ta đã điều tra về địa chất và thấy rằng nguyên liệu có ở Quảng Nam, nhưng để đánh giá trữ lượng, chất lượng và từ đó có kế hoạch chế tạo thanh nhiên liệu cần nhiều thời gian. Để đảm bảo cung cấp nguyên liệu lâu dài, Chính phủ đã chỉ đạo khi đàm phán với các nhà cung cấp nước ngoài thì yêu cầu họ phải cam kết cung cấp dài hạn các thanh nhiên liệu hạt nhân, nếu không thì không đàm phán".

Vấn đề tài chính theo ông Hoàng cũng tương tự như nguyên liệu. Nhà cung cấp thiết bị phải cung cấp tín dụng, tức là cho vay và trả dần.
 

Theo VnExpress