Năm 2008, việc mở rộng địa giới hành chính TP. Hà Nội đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành CN-TTCN phát triển. Hiện nay, Hà Nội có tới 1.960 làng có nghề với 258 làng nghề, thuộc các nhóm ngành nghề như sơn mài, khảm trai, mây tre giang đan, chế biến lâm sản, cơ kim khí, chạm điêu khắc đá... Đặc biệt trong năm qua, công tác khuyến công của Hà Nội đã được lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao nên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ngay sau khi hợp nhất TP.Hà Nội và tỉnh Hà Tây, Sở Công Thương Hà Nội đã có nhiều chương trình khuyến công được UBND Thành phố phê duyệt. Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện các đề án khuyến công một cách hiệu quả nhất, trong đó truyền nghề, nhân cấy nghề và phát triển làng nghề là các chương trình trọng tâm nhằm hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các lớp truyền nghề tại chỗ trong các làng có nghề và các lớp cấy nghề tại chỗ cho các làng thuần nông. Hầu hết các thầy truyền nghề đều là các nghệ nhân, thợ giỏi có nhiều năm kinh nghiệm, các học viên chủ yếu là nông dân và học sinh phổ thông. Nhờ có “thầy giỏi, trò ngoan”, nên trong năm 2008, công tác truyền nghề đã gặt hái được nhiều thành công. Hơn 11 ngàn học viên đã tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề như, mây tre đan, thêu ren, dệt may, sơn mài, khảm trai, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí, điện dân dụng...
Các chương trình khuyến công khác cũng được Trung tâm Khuyến công quan tâm như, tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp; khởi sự doanh nghiệp; cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới... Các chương trình trên đều nhằm mục đích tập trung hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo việc làm, thu nhập cho lao động vùng ngoại ô Thành phố.
Phát huy được những thế mạnh của mình, bước sang năm 2009, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch khuyến công, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức để phát triển sản xuất CN-TTCN, dịch vụ ở nông thôn và các quy định hiện hành về công tác khuyến công của Thành phố, đặc biệt là triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Thành ủy, quyết định của UBND Thành phố về phát triển CN-TTCN và làng nghề, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động trong các làng nghề, làng có nghề, làng thuần nông và các nơi bị thu hồi nhiều diện tích đất nông nghiệp để chuyển sang mục đích sử dụng khác. Đồng thời, trang bị cho người lao động các kiến thức và kỹ năng nhất định về các nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho các cơ sở CN-TTCN tại nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất CN-TTCN. Dự kiến, năm 2009, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức mở khoảng 150 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề, đào tạo thợ giỏi và nâng cao tay nghề cho các lao động trong các làng nghề trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, Sở còn tổ chức mở 29 lớp tập huấn về các chính sách khuyến công cho các cán bộ khuyến công cấp cơ sở, với mục tiêu hướng dẫn, phổ biến các chính sách khuyến công, nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ làm công tác khuyến công tại các thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, Sở còn tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mục tiêu trang bị cho lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ những kỹ năng quản trị doanh nghiệp về các lĩnh vực như quản trị tài chính, lao động, marketing và chính sách pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp.
Các chương trình khác như, hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất mới; tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tham quan, khảo sát, hỗ trợ và tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế, tham gia các hiệp hội ngành nghề... đều được Sở quan tâm và có kế hoạch thực hiện.
Với các chương trình khuyến công có nhiều khả thi như vậy, chắc chắn trong tương lai, khuyến công sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp nông thôn Hà Nội ngày càng phát triển.
Thanh Hoa