Nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và lao động trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, công tác khuyến công đang giữ vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, thời gian qua, công tác này ở Bắc Ninh đã góp phần khai thác các nguồn lực, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động tại các địa phương thuần nông, nơi có nhiều đất chuyển sang mục đích sử dụng khác cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đô thị hoá và hiện đại hoá nông thôn. Nhiều làng thuần nông đã bắt đầu có nghề. Một số làng đang từng bước phát triển để có đủ điều kiện trở thành làng nghề mới. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Vĩnh Kiên, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh xung quanh vấn đề này:
* Phóng viên: Công tác khuyến công tại tỉnh Bắc Ninh thời gian qua được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Bùi Vĩnh Kiên: Trước tiên, tôi có thể nói công tác khuyến công Bắc Ninh đã góp phần tích cực vào nhân cấy các nghề mới ở các địa bàn nông thôn, khôi phục lại các làng nghề, giải quyết việc làm cho người nông dân, nhất là trong thời gian nông nhàn. Việc khôi phục ngành nghề truyền thống, phát triển nghề và tạo dựng một số nghề mới, nhất là vùng thuần nông và những nơi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp đã tạo điều kiện cho một số làng nghề phát triển, sản phẩm có khả năng cạnh tranh.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao Sở Công Thương thực hiện những chính sách hỗ trợ trong công tác khuyến công như đào tạo nghề cho nông dân ở các làng nghề đã có sẵn và nhân cấy các nghề mới. Bằng nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ, thời gian qua, Trung tâm khuyến công đã đào tạo được hơn 1.000 lao động với các ngành nghề như: mây tre đan, thêu tranh, lục bình, thảm ngô, dệt, may... Sau khoá học, 70% số học viên được tuyển vào làm việc tại các doanh nghiệp, công ty, các HTX, số còn lại làm việc tại các hộ gia đình. Mức thu nhập bình quân từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/người/ tháng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề , các làng nghề cũ thường rất manh mún và sản xuất gắn với nơi ở, nhiều làng ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã cho quy hoạch riêng biệt các khu sản xuất mới, tách ra khỏi khu dân cư để vừa giải quyết mục tiêu tạo mặt bằng cho các hộ gia đình sản xuất, tạo điều kiện cho đầu tư trang thiết bị máy móc mới, vừa giải quyết được vấn đề môi trường trong khu dân cư.
* Phóng viên: Vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến công của tỉnh còn gặp những khó khăn gì?
*Ông Bùi Vĩnh Kiên: Tôi thấy rằng, hiệu quả hoạt động khuyến công của tỉnh còn chưa được rõ nét. Cụ thể như nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ về việc học nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề mới vào địa phương. Công tác đào tạo, truyền nghề bộc lộ nhiều hạn chế như đầu tư ít, thời gian học ngắn, tay nghề của người lao động chưa cao dẫn đến một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu làm hàng xuất khẩu. Chưa kể ngành nghề đào tạo còn đơn giản, thu nhập người lao động còn ở mức thấp... Bên cạnh đó, do bộ máy làm công tác khuyến công còn mới mẻ, số lượng ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên chưa phát huy được những lợi thế mà địa phương có, cũng như chưa truyền bá được nhiều thông tin về công nghệ, khoa học kỹ thuật, các nghề mới về địa phương.
* Phóng viên: Theo ông, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương đã thực sự mang lại hiệu quả cho công tác khuyến công của Bắc Ninh chưa?
* Ông Bùi Vĩnh Kiên: Theo tôi, nguồn kinh phí hỗ trợ cho khuyến công hiện nay không nhiều để có thể nhân cấy các nghề mới xuống các hộ nông dân vùng nông nhàn. Nếu được Trung ương hỗ trợ tích cực hơn, Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) có thể căn cứ vào đề án của từng địa phương xây dựng để chọn nhóm ngành tiêu biểu của địa phương đó, khu vực đó nhằm hỗ trợ sẽ thiết thực hơn đối với địa phương.
 
* Phóng viên: Muốn nâng cao hiệu quả công tác khuyến công ở địa phương, theo ông, chúng ta cần giải quyết những vấn đề gì?
* Ông Bùi Vĩnh Kiên: Bắc Ninh chủ yếu đang sử dụng lao động nông nhàn ở các làng nghề, nhưng mới dừng lại ở quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu theo mô hình HTX, các hình thức sản xuất còn manh mún. Để nâng cao giá trị sản xuất, tôi nghĩ rằng, tỉnh cần chuyên môn hoá đội ngũ lao động, đầu tư đổi mới công nghệ, vốn, giải phóng mặt bằng và tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp hay các hợp tác xã. Để tạo được sự bền vững cho nhân cấy nghề vào nông thôn thì cần gắn nhân cấy nghề với các doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, tỉnh mới chỉ có một số làng nghề làm ăn có hiệu quả tốt như làng nghề Đa Hội, Đình Bảng, giấy Phong Khê, gỗ Đồng Quang.
Tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách cụ thể, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia vào các chương trình, dự án khuyến công. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển làng nghề và các cụm công nghiệp, tạo cơ sở vật chất, hạ tầng cho các chương trình khuyến công hoạt động đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm.
* Phóng viên: Nâng cao giá trị xuất khẩu đang là mục tiêu chính của nhiều địa phương. Vậy, Bắc Ninh có hướng tới việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm truyền thống hay không?
* Ông Bùi Vĩnh Kiên: Tôi cho rằng, đối với sản phẩm của các làng nghề thì thị trường nội địa là rất quan trọng nhưng vẫn cần hướng tới xuất khẩu. Một số nghề thủ công mỹ nghệ tuy có lợi nhuận cao như các nghề gỗ, nghề đồng, mây tre đan... nhưng hầu hết còn phát triển tự phát, mới chủ yếu tự xuất sang Trung Quốc. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của địa phương đều phải thông qua doanh nghiệp trung gian. Chúng tôi sẽ yêu cầu các doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp tỉnh bạn giảm chi phí trung gian ở mức thấp nhất để tăng cường hiệu quả sản phẩm.
 
Mặt khác, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao dịch cũng như tạo uy tín và thương hiệu. Do vậy, chúng tôi đang xây dựng, khuyến khích công nhận “Nghệ nhân”, công nhận “làng nghề” để tôn vinh những người có công, những bàn tay vàng trong làng nghề và tạo ra thương hiệu cho sản phẩm của địa phương, đồng thời tạo điều kiện quảng bá hình ảnh của làng nghề với thị trường quốc tế.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn!
Thuý Hiền
( thực hiện)