Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐND về chương trình khuyến công và phát triển làng nghề của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2006-2010, khuyến công Vĩnh Phúc đã bước đầu gặt hái được nhiều thành công đáng kể, góp phần đưa công nghiệp nông thôn Vĩnh Phúc có một bước phát triển tốt.

Hoạt động truyền nghề, đào tạo nghề đã được Trung tâm khuyến công triển khai nhanh chóng, kịp thời từ Tỉnh đến 9 huyện, thành, thị với phương châm gắn kết chặt chẽ với nhu cầu lao động của hàng trăm doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm. Từ đó, việc đào tạo được tập trung chủ yếu vào các nghề như thêu ren, mây tre đan, mộc mỹ nghệ, khảm mỹ nghệ, gốm... giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Tính đến tháng 7/2009, Trung tâm khuyến công đã đào tạo được 3.397 người, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Hoạt động khôi phục và phát triển làng nghề sau một thời gian có sự tác động, hỗ trợ phát triển, đến nay trên địa bàn Tỉnh đã có 20 làng nghề đạt chuẩn, đạt 66% so với mục tiêu Nghị quyết là 30 làng nghề, cấp chứng nhận cho 4 nghệ nhân và 55 thợ giỏi giai đoạn 2006-2010 (lần công nhận thứ nhất vào năm 2006 là 17 làng nghề đạt chuẩn, 01 nghệ nhân và 12 thợ giỏi). Cùng với các làng nghề đã và đang phát triển, trong thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tiếp tục thực hiện các đề án hỗ trợ, nhân cấy phát triển nghề, hình thành các làng nghề mới.

Bên cạnh công tác đào tạo nghề và khôi phục phát triển làng nghề, các hoạt động hỗ trợ làng nghề, doanh nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới, cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, bảo vệ môi trường... được triển khai nhanh chóng, kịp tiến độ và có hiệu quả giúp các làng nghề, các doanh nghiệp ở làng nghề ổn định sản xuất kinh doanh. Tính đến tháng 7/2009, đã có 28 doanh nghiệp được hỗ trợ với tổng kinh phí là 1.776 triệu đồng. Các mô hình sau khi được đầu tư đã hoạt động hiệu quả, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Một số mô hình đã đạt kết quả tốt và tiến tới sẽ có hướng hỗ trợ để nhân rộng như, mô hình chuyển giao công nghệ phun phủ sơn bóng công nghiệp trong sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc Thanh Lãng; mô hình sản xuất chiếu tre, trúc của Công ty TNHH Sông Hồng; mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất dụng cụ cơ khí cầm tay của Công ty TNHH Tiến Thịnh...

Để các làng nghề TTCN luôn phát triển bền vững, hạn chế ô nhiễm môi trường ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng cụm sản xuất tập trung, công tác quy hoạch cụm làng nghề TTCN đã được chú trọng. Đến nay đã thực hiện quy hoạch chi tiết được 8 cụm, bằng 30% (trong tổng số cụm qui hoạch là 24 cụm), trong đó cụm làng nghề Lý Nhân với diện tích 0,98 ha đã được lấp đầy, thu hút 30 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.
Nhìn chung, kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 02 cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh. Hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hàng nghìn lao động nông thôn được trực tiếp thụ hưởng kinh phí khuyến công hoặc kết quả của các hoạt động từ chương trình khuyến công đem lại, đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển chung của ngành công nghiệp Tỉnh.

Tuy nhiên, công tác khuyến công Vĩnh Phúc vẫn còn những mặt hạn chế như chưa hình thành được các doanh nghiệp nòng cốt lớn, các doanh nghiệp hạt nhân ở các làng nghề trong Tỉnh, tạo động lực phát triển và khai thác tối đa nguồn lực ở địa phương, các doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện để tự đảm bảo tổ chức sản xuất trực tiếp và bao tiêu sản phẩm; Công tác hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề còn ít; Đội ngũ cán bộ khuyến công cơ sở còn thiếu...

Nhằm khắc phục những khó khăn này, lãnh đạo Sở Công Thương cùng Trung tâm khuyến công mong muốn UBND tỉnh Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện giúp đỡ để công tác khuyến công của Tỉnh nâng cao chất lượng; Ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề và các ưu đãi thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển công nghiệp nông thôn; UBND các huyện, thị, quan tâm tới hoạt động khuyến công, bố trí cán bộ khuyến công chuyên trách theo Nghị quyết để đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công, tổng hợp và thẩm định các dự án khuyến công từ cơ sở; UBND cấp xã quan tâm phát triển các ngành nghề TTCN ở địa phương, tuyên truyền hoạt động khuyến công và quan tâm đến công tác khuyến công cơ sở./.
 

Trần Hoa