Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện của một số đề án chưa theo đúng kế hoạch dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi. Để khắc phục tình trạng này, Cục Công Thương địa phương đã có văn bản đôn đốc các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thành kế hoạch KC quốc gia năm 2017 và xây dựng kế hoạch KC năm 2018 cụ thể.
Từng bước gỡ khó, nâng cao hiệu quả công tác khuyến công
Khó khăn lớn nhất là xây dựng được đề án đủ lớn cho các đối tượng hỗ trợ của công tác khuyến công. Do đa phần các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, hoạt động manh mún, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Hầu hết công nghệ thiết bị còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa chủ động được, nhất là xuất khẩu. Số lượng cơ sở CNNT nhiều, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác KC. Bên cạnh đó, các văn bản chính sách trong lĩnh vực KC mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi nhưng chưa theo kịp với yêu cầu thực tế. Công tác khảo sát nhu cầu cũng như tiếp cận các cơ sở CNNT còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác KC thiếu.
Mặc dù gặp nhiều bất cập nhưng thời gian qua nhiều trung tâm KC đã từng bước gỡ khó, nâng cao hiệu quả hoạt động. Điển hình như Trung tâm khuyến công Tuyên Quang chủ trương triển khai quy hoạch chi tiết phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố. Thực hiện các đề án KC điểm có quy mô lớn, gồm nhiều đề án, lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để thực hiện liên tục trong nhiều năm trên cùng một địa bàn. Chú trọng các đề án trình diễn kỹ thuật cho các cơ sở có lợi thế về lao động và nguyên liệu tại chỗ, hỗ trợ những sản phẩm đang có thị trường.
Với mục tiêu hiện đại hóa thiết bị theo hướng hiện đại, trong hơn 100 đề án KC triển khai ở Thái Nguyên từ năm 2013 đến nay, có khoảng 70 đề án về “Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại”, giúp các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đầu tư hoàn thiện dây chuyền và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường. Trong đó chủ yếu tập trung vào chế biến bảo quản chè, chế biến lâm sản, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng là những lĩnh vực có lợi thế ở địa phương, góp phần làm tăng dần tỷ trọng khoa học công nghệ trong giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp hộ kinh doanh đứng vững trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở CNNT sẽ phổ biến nhân rộng mô hình để các đơn vị khác học tập…
Để nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh có đề xuất: Hoạt động KC cần có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Chẳng hạn, những vùng miền có thế mạnh về nông sản như Đồng bằng sông Cửu Long thì hoạt động KC cần dồn sức hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành này để góp phần tiêu thụ nông sản ổn định cho nông dân. Cụ thể như hỗ trợ về nhà xưởng, kho lạnh bảo quản, hệ thống xử lý nước, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu…, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo chuỗi sản xuất.
Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương cũng cho rằng, hoạt động KC phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của toàn quốc, của vùng và của từng địa phương mang tầm nhìn đến năm 2020 và xa hơn nữa. Các địa phương cần xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của từng địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh một số Trung tâm khuyến công tập trung triển khai các đề án có hiệu ứng cao, tác động hiệu quả đến phát triển CNNT của địa phương, khu vực cũng còn những đề án KC còn manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, cần thiết phải tập trung xây dựng, thực hiện các đề án có sức lan tỏa lớn, mang tính trọng tâm, trọng điểm.
Tạo sự lan tỏa từ các đề án khuyến công
Để hoạt động KC ngày càng hiệu quả, góp phần phát huy thế mạnh của từng vùng, Cục CTĐP chỉ đạo: Việc xây dựng kế hoạch KC năm 2018 phải hướng tới mục tiêu tạo sự lan tỏa lớn, tận dụng được tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng. Các đề án KC hỗ trợ cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu đạt cấp khu vực, cấp quốc gia. Ưu tiên, lựa chọn các đề án trên địa bàn xã xây dựng nông thôn mới, đề án chế biến nông - lâm - thủy sản; sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, nguyên vật liệu thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất các sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt.
Đặc biệt, các đề án tập trung vào các nội dung như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến; hỗ trợ các hoạt động tư vấn nhằm nâng cao năng lực quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực và năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (CCN) và đề án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng CCN, lựa chọn CCN mà chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch; các CCN có hồ sơ pháp lý đầy đủ, có tỷ lệ lấp đầy cao.
Các địa phương thuộc địa bàn ưu tiên phải chủ động đề xuất mức ưu tiên hỗ trợ khi xây dựng kế hoạch. tăng cường phối hợp với các tổ chức kinh tế, xã hội để huy động nguồn vốn hỗ trợ cho hoạt động KC. Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Hạn chế các nội dung mà các chương trình mục tiêu khác đang triển khai như: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề; tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm trong nước…
Cục CTĐP cũng yêu cầu các trung tâm KC tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác KC ở cấp tỉnh, huyện, đặc biệt là công tác đào tạo, tập huấn. Phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình xây dựng nông thôn mới, phối hợp với các tổ chức cá nhân nhằm huy động thêm nguồn lực cho KC. Đề xuất với các huyện, thành phố hình thành vùng nguyên liệu tập trung để tạo điều kiện phát triển sản xuất bền vững. Trên cơ sở đó kết hợp hỗ trợ các cơ sở sản xuất tập trung để tiêu thụ sản phẩm nhỏ lẻ trong dân. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm nhằm phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng. Việc xây dựng các chương trình, đề án KC cần được tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT, quan tâm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các đề án KC tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương.
CTV