Trước đây, khi Hợp tác xã còn quản lý, lưới điện nông thôn ở các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình rất cũ nát, chất lượng điện không đảm bảo, hàng năm thường xảy ra hàng trăm vụ tai nạn điện gây chết người.

Tổn thất điện năng lên tới 35 – 40%, có nơi tới 50%. Hậu quả là người dân phải dùng điện giá cao, có nơi lên tới 1.500 đồng/kWh. Sau khi chuyển giao về điện lực địa phương quản lý, mức tổn thất trung bình chỉ còn 11%, thậm chí Chi nhánh điện lực Hoa Lư (Ninh Bình) chỉ tổn thất 5%. Người dân được hưởng giá điện bậc thang với chất lượng điện ổn định, an toàn, lại có Hợp đồng mua bán điện đàng hoàng, có hoá đơn tiền điện minh bạch, công tơ kẹp chì, được sử dụng điện sinh hoạt rẻ hơn nhiều so với trước. Mục tiêu phấn đấu của EVN đến 30/6/2010 cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện trên toàn quốc. Tuy nhiên, ở 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đều phấn đấu sẽ hoàn thành trong năm 2009.

Đầu tư theo lộ trình

Đầu tư có kế hoạch, nâng cao chất lượng điện áp là mục tiêu đầu tiên của Thái Bình trong kế hoạch tiếp nhận lưới điện nông thôn. Ông Nguyễn Đình Lộc- Giám đốc Điện lực Thái Bình cho biết: ngay sau khi tiếp nhận ở các xã, Điện lực Thái Bình đã đầu tư lưới điện đường xương cá, lắp đồng hồ điện đến tận ngõ các hộ dân và bổ sung máy biến áp để phân khu trong địa bàn xã. Nhờ đó, chất lượng điện ổn định 24/24h, giá điện giảm đáng kể so với khi HTX còn quản lý. Do số tiền đầu tư quá lớn nên Thái Bình đã chia lộ trình cải tạo lưới điện thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ đầu tư mỗi xã khoảng 1-1,5 tỷ đồng để thay hòm công-tơ và các vị trí có nguy cơ mất an toàn, thay các đường dây quá cũ nát với định mức bình quân 350.000 đ/công tơ 1 pha, 1.600.000 đ/công tơ 3 pha. Giai đoạn 2 (sau khoảng 1 năm) sẽ tiếp tục đầu tư từ 1,5-2 tỷ đồng để cải tạo đường dây, nâng cao chất lượng.

Đến ngày 15/9/2009, Điện lực Thái Bình đã lập xong Dự án cải tạo cho 90/133 xã đã tiếp nhận với tổng số vốn đầu tư là 155,75 tỷ đồng. Những xã mới tiếp nhận từ tháng 8/2009 sẽ tiếp tục được cải tạo trong quý IV/2009. Đồng thời củng cố bộ máy quản lý vận hành và kinh doanh điện đến tận các xã; Ký hợp đồng với các tổ quản lý kinh doanh bán lẻ điện nông thôn, mỗi xã không quá 5 người, tổ chức bồi huấn nghiệp vụ, mua sắm trang thiết bị BHLĐ cho Tổ dịch vụ bán lẻ điện nông thôn các xã. Ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, gửi tờ rơi đến tận hộ gia đình về công tác an toàn điện và chính sách giá điện để mọi người dân biết và thực hiện …

Tổ chức điểm trực tại xã

Nâng cao chất lượng dịch vụ là một trong những điểm mạnh của Công ty Điện lực Ninh Bình. Ông Ngô Nam Phòng- Phó giám đốc công ty- cho biết, với sự ủng hộ quyết liệt của tỉnh, công ty đã xây dựng kế hoạch, phân loại từng khu vực và tập trung đầu tư cải tạo lưới điện, thay thế công tơ, chỉ đạo các đơn vị tận dụng tối đa vật tư thu hồi, tranh thủ nguồn vốn đầu tư sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn để cải tạo tối thiểu lưới điện mới tiếp nhận. Từng bước nâng cao chất lượng điện, huy động các nguồn vốn đầu tư lắp thêm trạm biến áp để san tải, giảm bán kính cấp điện; tổ chức phát quang hành lang tuyến đường dây, đấu nối đường dây theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đặc biệt, công ty đã bố trí các điểm trực tại các xã để thu tiền điện và giải quyết tại chỗ kịp thời những yêu cầu của dân. Mỗi chốt trực có 2 nhân viên điện lực chịu trách nhiệm quản lý khoảng 2000 - 3000 khách hàng. Mỗi khi khách hàng có yêu cầu chỉ cần gọi điện thoại đến các điểm trực là sẽ có người giải quyết ngay các sự cố. Nếu cần thiết, các chốt gần nhau sẽ hỗ trợ ứng cứu cho nhau để khắc phục nhanh nhất các sự cố. Năm 2008, Công ty đã đầu tư 13,9 tỷ đồng mua sắm công tơ, hộp công tơ, tiếp địa hạ thế và thay thế khoảng 85.000/128.747 công tơ các loại, góp phần hạ tỷ lệ tổn thất lưới điện xuống còn khoảng 13%.

Dự kiến, đến cuối năm 2009, Công ty sẽ hoàn thành tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn và thay thế trên 52.000 công tơ các loại. Do số công tơ mua mới quá lớn nên Công ty đã trang bị cho mỗi đơn vị 2 công tơ mẫu kiểm định lưu động, những công tơ còn đạt tiêu chuẩn thì được tiếp tục sử dụng. Công ty còn tổ chức bộ phận lắp ráp hộp công tơ trọn bộ để xây dựng thiết kế chuẩn các loại hộp công tơ theo mẫu chung. Đặc biệt, công ty có xưởng cơ khí bê tông dự ứng lực có thể sản xuất 20.000 cột bê tông 6 – 12m/năm để thay thế toàn bộ lượng cột tre trên địa bàn.

An toàn là mục tiêu hàng đầu

Chúng tôi có mặt ở làng nghề Bình Yên xã Nam Thanh (Nam Trực – Nam Định) lúc trời đã gần tối nhưng làng nghề vẫn vô cùng nhộn nhịp. Ông Vũ Văn Bình, trưởng thôn Bình Yên cho biết: cả thôn có 185 hộ sản xuất đồ nhôm với lượng tiêu thụ khoảng 12.000 kWh/tháng. Trước kia lưới điện do Hợp tác xã quản lý, bà con phải chịu giá điện sản xuất 1.600 đồng/kWh nhưng điện vẫn bị mất 3 – 4 lần/ngày do bị nhảy aptomat vì không chịu nổi tải. Từ tháng 6/2009, khi tiếp nhận bàn giao, Điện lực Nam Định đã dành 5 tỷ đồng để cải tạo lưới điện (lắp thêm trạm biến áp, thay thế công tơ, lắp đặt đường dây…) nên tình trạng mất điện không còn xảy ra. Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 35% xuống dưới 15%. Giá điện sản xuất chỉ còn 1.055 đồng/kWh. Quan trọng nhất là bà con không còn lo lắng chuyện những mẻ nhôm trên dây chuyền có thể biến thành phế liệu bất cứ lúc nào do tình trạng mất điện đột ngột như trước nên sang năm 2010, số hộ đăng ký làm nghề sẽ tăng lên khoảng 240 hộ.

Không riêng làng nghề Bình Yên mà hầu như những địa phương có lưới điện đã bàn giao về ngành điện đều được cải thiện chất lượng điện rõ rệt. Được biết, Nam Định là tỉnh rất thuận lợi do được các cấp chính quyền ở địa phương hết sức ủng hộ. Với mục tiêu an toàn đặt lên hàng đầu, đến nay, Điện lực Nam Định đã lập dự án cải tạo 195 xã, thực hiện đầu tư trên 82 xã thay thế toàn bộ những dây điện tiết diện nhỏ, dây lưỡng kim kém an toàn, tổn thất cao, đang triển khai tiếp với những xã còn lại, dự kiến đến quý I/2010 sẽ xong toàn bộ.

Tuy nhiên, với khối lượng tiếp nhận quá lớn, gấp gần 5 lần so với tài sản cố định và khách hàng gấp 3 lần trong khi chưa được tăng biên chế nên điện lực cũng phải xây dựng lộ trình đầu tư dần dần. Trước mắt trong giai đoạn 1 sẽ phải đầu tư khoảng 900.000 đồng/hộ, chủ yếu là thay công tơ, hòm công tơ, cột điện không đảm bảo chất lượng bằng tre, luồng nhằm củng cố các điểm xung yếu, mất an toàn. Hiện đã có 195 xã đã được lập xong dự án đầu tư, trong đó 82 xã đã đầu tư xong. Còn trên 100 xã ngành điện đang tiếp tục đầu tư và sẽ khởi công hết trong quý I/2010.

Khó khăn và bất cập

Tuy nhiên, hiện việc tiếp nhận lưới điện nông thôn đã nảy sinh nhiều khó khăn, trong đó nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo lại hệ thống lưới điện sau khi tiếp nhận đang gây áp lực lớn nhất. Để đầu tư hoàn thiện lưới điện, các tỉnh phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cùng với nhu cầu nguồn nhân lực gia tăng đáng kể. Giám đốc Điện lực Nam Định Trần Quốc Đạt cho biết: khách hàng trước đây thuộc phạm vi quản lý của Điện lực Nam Định chỉ 100 nghìn hộ, nhưng nếu tiếp nhận toàn bộ thì số hộ sẽ tăng lên 500 nghìn, trong khi lượng nhân viên không được tăng tương ứng, cơ chế lương còn bất hợp lý nên rất khó khăn. Việc tiếp nhận đội ngũ quản lý điện trước đây của địa phương cũng không đơn giản vì hầu hết chưa qua đào tạo, bộ máy lại quá cồng kềnh, nếu tiếp nhận ngành điện lại phải kéo thêm một loạt các chi phí đào tạo, trả lương. Đây cũng là tình trạng chung của tất cả các tỉnh. Hiện nay, các điện lực địa phương đang khắc phục bằng cách ký hợp đồng thu tiền điện ở các tổ, đội, ngõ xóm, vừa thuận tiện cho người dân vừa tiết kiệm cho ngành điện.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Đó là chưa kể sự bất hợp lý khi ReII vào, các tổ chức khác không phải đầu tư mà vẫn được kinh doanh không phải chịu thuế, trong khi ngành điện phải đầu tư từ A đến Z. Điều đó sẽ gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các đơn vị. Bên cạnh đó, một số địa phương yêu cầu bàn giao theo cơ chế hoàn trả vốn cũng đang gây khó khăn cho ngành điện, nhất là trong điều kiện Chính phủ chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Từ kinh nghiệm của 3 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định cho thấy, để việc tiếp nhận lưới điện đạt hiệu quả cao, ngoài việc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, ngành điện còn phải tuyên truyền sâu rộng đến tận người dân làm cho người dân hiểu rõ lợi ích của đề án mang lại. Đồng thời, làm tốt việc phát huy nội lực, sáng tạo và linh hoạt trong cách làm phù hợp với từng địa phương. Trong quá trình triển khai, cần chia tách đề án thành nhiều đợt, phân đều cho các huyện, thành phố, có rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục và kiến nghị kịp thời những vấn đề còn bất cập. Như vậy sẽ giúp ngành điện có thời gian để củng cố lưới điện và kinh doanh điện kịp thời tạo niềm tin và sự ủng hộ của người dân và chính quyền. Được biết, tuần qua liên Bộ Công Thương –Tài chính đã có cuộc họp bàn về dự thảo Thông tư hướng dẫn bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. Hy vọng Thông tư sớm ra đời góp phần khắc phục những bất cập trong bàn giao lưới điện.
 

Ngọc Loan