Làng nghề - Nghệ nhân
Ai đến thăm chùa Bái Đính (Ninh Bình) không thể không trầm trồ trươc quả chuông Đại Hồng Chung lớn nhất Đông Nam Á hiện nay với chiều cao 5,5 m, đường kính 3,7 m, nặng trên 30 tấn trị giá 7 tỉ đồng tọa lạc tại đây. Tuyệt phẩm kì công này do xưởng đúc của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Sính, thuộc phường Đúc, TP. Huế thực hiện.

Sinh năm 1939, ông Nguyễn Văn Sính là truyền nhân thứ 12 làm nghề đúc đồng theo lối "cha truyền, con nối". Hai người con của ông đều tốt nghiệp đại học về theo bố phụ trách cơ sở đúc đồng của gia đình. Để đúc được quả chuông Đại Hồng Chung, ông đã phải huy động 65 thợ đúc, nấu và rót liên tục 8 nồi đồng (mỗi nồi 2,5 tấn) trong 6 giờ liên tục. Chỉ cần một chút "sơ sẩy" như bị tràn, hoặc xì đồng ra ngoài khuôn đúc thì công lao của mọi người trong hơn tám tháng trời sẽ trở thành công cốc. Khi trang trí, ông Sính đã khắc lên trên quả chuông hai bài kinh Đại Bi - Bát Nhã trong Kinh Phật bằng chữ Hán, cùng nhiều hoa văn trang trí mang chủ đề thiền học và Phật giáo. Theo ông Sính, thành công của quả chuông là đánh phải kêu to, vang xa, âm thanh phải hay, thức tỉnh lòng người. Muốn vậy phải có sự tính toán để đạt độ chuẩn xác cao, từ khâu pha trộn hợp kim, nung chảy đồng để rót vào khuôn mẫu... Cái tài của người thợ ở đây là đã đưa bản sắc dân tộc và tinh hoa nghệ thuật truyền thống vào các sản phẩm làm ra, chính vì thế tất cả mẫu sản phẩm đều chứa đựng sự trân trọng của người thợ đối với phong tục, tín ngưỡng của người dân. Nhiều bà con Việt kiều cũng tìm đến cơ sở của ông để đặt hàng. Nhờ đó, các sản phẩm của cơ sở đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Pháp, Nhật, Ấn Độ…


Hơn nửa đời người gắn bó với ngọn lửa đồng nóng rực, ông Sính không nhớ rõ mình cho ra đời bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật, được đặt trên khắp ba miền Bắc – Trung - Nam. Những người thợ  cho biết: Nghề đúc rất gian nan vất vả. Bất kể thời tiết nóng hay lạnh, khi đã bên cạnh lò lửa cháy hừng hực là không được một phút lơ là, phải chính xác đến từng giây, nhất là khi đồng được đun chảy để đổ vào khuôn. Chỉ bị ngắt nhịp trong tích tắc, lớp này sẽ không kết dính với lớp kia coi như hỏng hết. Không phải cứ pha nhiều vàng khi rót đồng là tiếng chuông sẽ hay mà do tỷ lệ pha chế giữa đồng tốt không tạp chất với thiếc và cách làm khuôn dày mỏng không chênh lệch nhau. Nhưng quan trọng nhất là kinh nghiệm nghề nghiệp, phải biết cảm nhận được nhiệt độ khi nấu. Đến giờ, ông Sính vẫn tự hào về bức tượng Trần Hưng Đạo (nặng 22 tấn) ở Nam Định đã hơn 10 năm phơi sương gió không hề bị gỉ sét, phai nhạt màu đồng.


Ở Huế nay còn nhiều hiện vật bằng đồng nổi tiếng được lưu giữ ở Đại Nội, hoặc các vật dụng dùng trong cung vua, phủ chúa ở Bảo tàng cổ vật Huế hiện nay đều có sự góp công, góp sức của bao đời thợ đúc đồng ở phường Đúc. Đã có thời gian, phường sản xuất theo lối gia đình, "mạnh ai nấy làm", hiện Phường đã tổ chức lại làng nghề, kết hợp việc đầu tư phát triển nghề đúc đồng truyền thống với việc xây dựng các điểm tham quan làng nghề theo định hướng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Hiện nay, đa phần nghệ nhân Phường Đúc tập trung vào việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và đồ nghi lễ. UBND TP. Huế  cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển làng nghề đúc đồng tại phường Đúc, bao gồm việc hỗ trợ phát triển hạ tầng, xử lý môi trường, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới về khuôn đúc, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh những hộ làm nghề đúc đồng, còn có những hộ được chọn làm khu vực vừa sản xuất, vừa sắp xếp tổ chức cho khách tham quan, giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng lưu niệm, đồ nghi lễ thờ cúng bằng đồng, chuông đồng, lư đồng...


Ngọc Loan