Kể từ ngày 22/6/2007, Bộ Công Thương (trước kia là Liên Bộ Thương mại - Bộ Công Nghiệp) đã bãi bỏ giấy phép tự động (E/L) và chủ trương xây dựng cơ chế quản lý, giám sát hàng dệt may xuất khẩu theo phương pháp “hậu kiểm”.

Chủ trương này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng dệt may, giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ uy tín của hàng dệt may Việt Nam, giám sát, quản lý hàng dệt may xuất khẩu phát triển đúng hướng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Để thực hiện, Bộ Công Thương đã phối hợp đồng thời các biện pháp sau:

1- Tạm dừng việc tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu đối với hàng dệt may, bán thành phẩm dệt may và nguyên phụ liệu dệt may qua Việt Nam sang Hoa Kỳ (Quyết định số 017/2007/QĐ-BTM ngày 27/7/2007).

2- Hoàn thiện việc nối mạng điều hành với Tổng cục Hải quan để có cơ sở dữ liệu xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ làm cơ sở đối chiếu với số liệu của phía Hoa Kỳ, đồng thời tăng cường kiểm soát việc cấp Chứng nhận xuất xứ (C/O). Sử dụng thông tin/dữ liệu của Tổng cục Hải quan và C/O do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp làm cơ sở để quản lý, giám sát hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

3- Lập Tổ kiểm tra cơ động hàng dệt may xuất khẩu bao gồm Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm quy định về xuất nhập khẩu hàng dệt may hoặc có dấu hiệu xuất khẩu tăng đột biến về số lượng hàng xuất hoặc giá giảm quá thấp.

Để Tổ kiểm tra hoạt động có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và điều hành xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp dệt may trong cảc nước đóng góp ý kiến dự thảo Đề án trong thời gian sớm nhất. Góp ý xin được gửi đến theo địa chỉ E-mail: dmhk@mot.gov.vn trước ngày 10/9/2007 để Bộ Công Thương tổng hợp cáo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương