Nội dung Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo tiền đề giải quyết các vấn đề chính trị và xã hội của đất nước, đưa nông thôn Việt Nam tiến lên văn minh hiện đại.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đã và đang góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tăng thu ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá nông thôn. Nhưng có một số đặc điểm hạn chế chung đó là: + Quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, tự phát. Đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải phòng đều có xuất phát điểm thấp. Ban đầu do áp lực về cuộc sống các hộ dân có tay nghề tự tìm kiếm việc làm hoặc gia công cho các cơ sở sản xuất khác để tăng thu nhập. + Mặt bằng phục vụ cho sản xuất có diện tích nhỏ từ vài chục mét vuông đến vài trăm mét vuông. Địa điểm nằm xen kẽ trong khu dân cư, tận dụng trên đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm, đất canh tác nông nghiệp, ao đầm.... + Năng lực tài chính hạn chế, bình quân mỗi cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có tổng tài sản từ vài trục triệu đồng đến vài vài tỷ đồng vì vậy thiếu vốn trầm trọng. + Thiết bị, dụng cụ sản xuất lạc hậu, công trình nhà xưởng chắp vá, tận dụng nhà ở để sản xuất. Nguy cơ mất an toàn cao. + Sản phẩm chủ yếu là hàng tiêu dùng, các sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô lớn trong các khu cụm công nghiệp + Gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt đời sống cộng đồng. Phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có địa điểm sản xuất xen kẽ trong khu dân cư vì vậy vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng là không tránh khỏi.

Theo số liệu thống kê, kết quả phân tích các mẫu nước tại các doanh nghiệp làng nghề cho thấy, 100% mẫu nước thải đều có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm.Trong đó ngành nghề chế biến lương thực thực phẩm, tái chế, dệt nhuộm, giấy có mức độ ô nhiễm môi trường lớn nhất. Nước thải chứa lượng lớn các chất hoá học độc hại như xút, axit, thuốc tẩy.... với hàm lượng BOD5 ( nhu cầu ô xi sinh hoá), COD ( nhu cầu ô xy hoá học) vượt 4-6 lần tiêu chuẩn cho phép. Tình trạng gây ô nhiễm không khí,tiếng ồn từ các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, nhựa.... cũng trong tình trạng báo động. Hậu quả là là người dân sống ở khu vực này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn từ 15-25% so với làng thuần nông, trong đó đối tượng mắc bệnh cao chủ yếu là người già, trẻ em và phụ nữ là 30-45%.

Tại các làng có các cơ sở gây tiếng ồn và bụi khói cao người dân hay mắc các bệnh về thần kinh, viêm xoang, viêm mũi, viêm họng, đau mắt, viêm phế quản, lao phổi, đường tiêu hoá... + Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đều có quy mô lớn hàng trăm ha đất, chỉ phù hợp với các dự án có tổng mức đầu tư lớn. Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn do các yếu tố khách quan về quy mô nhỏ, vốn ít, nhu cầu mặt bằng phục vụ cho sản xuất nhỏ nên không đủ điều kiện và năng lực để đầu tư vào các khu vực nói trên. Giải pháp tháo gỡ những bất cập nêu trên đó là ngoài các khu, cụm công nghiệp cần hình thành các vệ tinh cho các khu, cụm công nghiệp đó là khu sản xuất tập trung cho các xã, cụm xã.Khu sản xuất tập trung sẽ thu nạp các cơ sở sản xuất nhỏ. Tuỳ theo số lượng các cơ sở sản xuất tại mỗi xã hoặc cụm xã sẽ hình thành khu sản xuất tập trung với quy mô từ 5 đến 10 ha.

Để thu hút các cơ sở sản xuất vào các khu sản xuất tập trung nhà nước cần: Đầu tư xây dựng hạ tầng, ngắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ kinh phí di dời nhà xưởng sản xuất vào khu sản xuất tập trung, có chính sách thu phí hợp lý, miễn giảm các loại phí trong 5 năm đầu, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất được cấp giấy quyền sử dụng đất để có thể thế chấp vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất...
 

Phan Trường. TTKC.Hải Phòng