"Vốn liếng" để Anh Lĩnh vào cuộc chỉ là chút kiến thức về máy móc, điện tử khi còn là lính thông tin ở Quân khu 3 rồi được "bổ túc" thêm từ mấy xưởng đào tạo quy mô "vườn" ở xã bên sau khi xuất ngũ năm 1986. Anh Lĩnh bắt đầu mày mò ra mô hình máy băm bèo từ việc lân la đến xem các máy xát gạo ở thị tứ.
Nắm vững phần nguyên lý, giờ đi tìm vật liệu. Mô tơ từ các loại máy lạnh "bãi thải" không thiếu. Hàng năm trời, Anh Lĩnh cứ một mình hì hục, phác thảo đủ kiểu mà kết quả vẫn chưa đâu vào đâu. Cái máy ban đầu to như chiếc máy xay xát, nổ phành phành mà bèo lại nát vụn ra như... bột. Có chiếc, bèo bay vọt cần câu như máy tuốt lúa. Cho đến khi tìm được "cửa ra" có lá chắn thì "công nghệ" băm bèo hoàn thiện. Bèo ra đều, cánh nhỏ y chang những nhát dao chuyên cần của các cô thôn nữ.
Chỉ đến khi máy băm bèo "lọt" đến tai một cán bộ lãnh đạo huyện, đến thăm cơ sở sửa chữa điện dân dụng của Anh Lĩnh và hoàn toàn bị thuyết phục bởi các sản phẩm của chàng kỹ sư chân đất. Ông đã gợi ý Lĩnh nên đăng ký bản quyền sở hữu và tiêu chuẩn chất lượng máy băm bèo, máy bơm nước và thành lập doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất biến những sản phẩm trên thành hàng hóa. Tháng 2/2004, doanh nghiệp chế tạo máy mang tênThiên Thuận ra đời tại xã Thụy Thanh, nằm ngay kề cánh đồng lúa, cách thành phố Thái Bình chỉ hơn 15km. Dù quy mô ban đầu còn nhỏ nhưng mỗi tháng doanh nghiệp cũng tiêu thụ được hàng trăm máy bơm nước, máy phay bèo, thu hút hơn 30 lao động địa phương, bảo đảm thu nhập cho công nhân từ 700 nghìn đến một triệu đồng.
Điều đặc biệt là Anh Lĩnh không chỉ nhận những thanh niên có trình độ trung cấp cơ điện làm việc mà còn "nạp" cả những lao động phổ thông rồi tổ chức cho họ vừa học-vừa làm, biến tổ hợp chế tạo máy thành một trung tâm dạy nghề hiệu quả.
Điều đáng quý là chàng kỹ sư nông dân này không chịu dừng lại ở việc gia công, tạo sản phẩm từ những máy móc cũ mà đến nay anh đã có thể chế tạo máy bơm nước, máy băm bèo nội địa hóa 100% từ xưởng máy nhỏ bé nơi làng quê nghèo của mình.
CTV