Hiện nay nhu cầu thức ăn cho thủy sản nuôi ở nước ta rất lớn và ngày một tăng. Việc thiết kế, chế tạo được hệ thống nghiền mịn dùng trong dây chuyền chế biến thức ăn cho thuỷ sản, đảm bảo độ nhỏ, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất ở Việt Nam có ý nghĩa thực tế quan trọng.


Trên cơ sở tìm hiểu, khảo sát công nghệ và hệ thống thiết bị nghiền mịn dùng trong các dây chuyền chế biến thức ăn cho thuỷ sản trên thế giới và ở Việt Nam, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã lựa chọn được nguyên lý, kết cấu các máy trong hệ thống nghiền mịn năng suất 0,5 - 0,6 tấn/giờ. Thông qua các kết quả khảo nghiệm cho thấy, các máy trong hệ thống làm việc ổn định, dễ thao tác, vận hành; năng suất và độ nhỏ của bột đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

 

 Quy trình công nghệ chế biến thức ăn cho thuỷ sản nói chung giống như quy trình chế biến thức ăn gia súc là chế biến theo mẻ và qua các công đoạn chính: nghiền nhỏ → cân định lượng theo tỷ lệ đã định → phối trộn → ép tạo viên → cân đóng bao sản phẩm hoặc cân định lượng theo tỷ lệ đã định → nghiền nhỏ → phối trộn → ép tạo viên → cân đóng bao sản phẩm. Điều khác nhau cơ bản công nghệ sản xuất chế biến thức ăn cho thuỷ sản và cho gia súc là yêu cầu kỹ thuật cụ thể ở các công đoạn như độ nghiền nhỏ (nằm trong khoảng 100 - 300 m tuỳ loại thức ăn), độ đồng đều sau khi trộn, kích thước, tỷ trọng của viên và chất lượng của viên, tỷ lệ bổ sung dầu béo v.v… Tổng thể yêu cầu kỹ thuật của quy trình chế biến thức ăn cho thuỷ sản đều cao hơn và khắt khe hơn so với yêu cầu trong chế biến thức ăn cho gia súc.

 

 Quy trình nghiền mịn là chu trình kín, nghiền nhỏ kết hợp với sàng phân loại. Hạt nhỏ đạt tiêu chuẩn đưa sang công đoạn tiếp theo, hạt to đưa quay trở lại máy nghiền để làm nhỏ tiếp. Lấy, vận chuyển sản phẩm sau nghiền đưa lên sàng bằng hệ thống gió áp lực cao kết hợp với giũ bụi tự động. Độ nhỏ sản phẩm hiệu chỉnh thông qua một sàng phân loại riêng biệt bên ngoài máy nghiền bằng cách thay các lưới sàng phù hợp.

 

Với các kết quả thí nghiệm có tải đơn lẻ cho máy nghiền mịn và máy sàng phân loại được thực hiện trên hỗn hợp nguyên liệu với tỷ lệ ngô hạt: 45,5%; khô đậu trích ly: 45,5%; sắn khô đập nhỏ sơ bộ: 9,0% lựa chọn được chế độ làm việc của máy nghiền mịn (công suất động cơ 22 kW, năng suất trung bình của máy đạt 525 kg/h, chi phí năng lượng riêng 37,2 kW.h/T, độ nhỏ bột nghiền đạt 75,3% qua lưới sàng thí nghiệm 250m và 86,3% qua lưới sàng thí nghiệm 300m) và lưới sàng của máy sàng phân loại là 0,5mm để phân bột sau nghiền (độ nhỏ bột sản phẩm sau sàng đạt 79% qua sàng phân tích 250 m và 94,5% qua sàng phân tích 300m, năng suất đạt 535 kg/h).

 

Kết quả thí nghiệm có tải toàn hệ thống nghiền mịn cũng cho thấy hệ thống đạt năng suất trung bình 515,6 kg/h, độ nhỏ sản phẩm 80,3% qua sàng phân tích 250m và 94,7% qua sàng phân tích 300m. Chi phí năng lượng cho hệ thống nghiền mịn theo nguyên lý lựa chọn khoảng 54,1 kW.h/T, chỉ bằng khoảng 50% chi phí năng lượng riêng cho công đoạn nghiền mịn theo công nghệ nghiền 2 cấp: nghiền thô và nghiền mịn.

 

 Với các kết quả thí nghiệm này, có thể khẳng định hệ thống nghiền mịn trong dây chuyền chế biến thức ăn thủy sản, năng suất 0,5 - 0,6T/h của Viện Cơ điện NN&CNSTH đã đáp ứng được yêu cầu về công nghệ và thiết bị chế biến thức ăn cho thủy sản của nước ta hiện nay.

 

 Viện Cơ điện NN&CNSTH