Ngày 11/12/2012, Bộ Công Thương, Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cùng ông Đào Xuân Cần, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty và một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nông dân tham gia mô hình thí điểm.


Nhiều tín hiệu lạc quan


Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010. Trong Quyết định này có dự án xây dựng hai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bình Thuận, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, bao gồm mô hình Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Hộ nông dân ở vùng sản xuất hàng hóa tập trung và mô hình Doanh nghiệp – Hộ kinh doanh – Hộ nông dân áp dụng ở vùng sản xuất phân tán.


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích phát triển các mô hình liên kết khác nhằm hỗ trợ nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp. Mục tiêu của việc xây dựng mô hình nhằm xác định những mặt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong các mối liên kết kinh tế giữa Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Nông dân; trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất những định hướng, giải pháp và cơ chế, chính sách để có thể duy trì, phát triển các mối liên kết có hiệu quả theo hướng bền vững, góp phần đem lại lợi ích cho người nông dân. Bên cạnh đó, mô hình dự án cũng nhằm phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp… trong việc xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết.



Thông qua các báo cáo tại Hội nghị, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng qua đánh giá của các tỉnh hoàn thành tổng kết, việc xây dựng mô hình thí điểm cơ bản đạt mục tiêu đề ra, đem lại một số kết quả tích cực chủ yếu về kinh tế - xã hội: Góp phần định hướng cho các hợp tác xã, chủ trang trại, hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất những hàng hóa thị trường có nhu cầu. Hầu hết doanh nghiệp tham gia mô hình thực hiện đúng cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân theo hợp đồng, kể cả khi giá thị trường biến động theo chiều hướng giảm và kịp thời điều chỉnh giá tiêu thụ nông sản có lợi cho nông dân khi giá thị trường nông sản có biến động tăng, góp phần khắc phục dần tình trạng tranh mua, tranh bán và “được mùa mất giá”. Nông dân được cung ứng, hỗ trợ về vật tư đầu vào với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, được hướng dẫn chu đáo về kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi tăng cao và được tổ chức thu mua hợp lý nên giảm được các chi phí nhân công, chi phí vận chuyển cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Sản phẩm nông sản được kiểm soát theo quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ nên chất lượng được bảo đảm, xác định được xuất xứ, nguồn gốc và bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy mức độ có khác nhau nhưng đánh giá tổng thể thì lợi nhuận và thu nhập của các chủ thể tham gia mô hình cao hơn so với trước khi tham gia mô hình và các chủ thể khác ngoài mô hình. Mô hình đã tạo được việc làm ổn định và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.


Tuy vậy, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nêu ra những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện mô hình thí điểm: Việc lựa chọn doanh nghiệp đưa vào mô hình của một số ít tỉnh chưa phù hợp nên có mô hình phải thay đổi chủ thể tham gia đã ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả triển khai. Do thời gian áp dụng mô hình trong thực tiễn của một số tỉnh chưa có độ dài cần thiết nên chưa đủ căn cứ để đánh giá hết những mặt được, chưa được và tính bền vững của mô hình. Cơ sở vật chất của nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia mô hình còn nghèo nàn, nhất là chưa có kho chứa nông sản và vật tư nông nghiệp nên việc chủ động cung ứng vật tư và tiêu thụ hàng hóa khi vào mùa vụ gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các hộ xã viên và nông dân chưa có khả năng tài chính để trang bị dụng cụ sản xuất tiên tiến. Khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Vẫn còn một vài trường hợp doanh nghiệp sau khi đã nhận đủ hàng nông sản vẫn chưa thanh toán kịp thời cho nông dân, một số nông dân tuy đã ký hợp đồng với doanh nghiệp nhưng đã bán sản phẩm cho đối tượng khác khi giá thị trường tăng cao. Một số tỉnh còn lúng túng và chậm triển khai xây dựng mô hình nên thời gian triển khai mô hình kéo dài.


Trên tinh thần phân tích những khó khăn, hạn chế, báo cáo của lãnh đạo đại diện 12 tỉnh thực hiện mô hình thí điểm đã chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu và khách quan dẫn đến tồn tại trên: Công tác tuyên truyền, vận động và nhận thức của hộ nông dân về pháp luật, chính sách thương mại, hợp đồng kinh tế, nhất là về những lợi ích của việc ký hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp – nông thôn ở nhiều tĩnh tuy được quan tâm đầu tư so với trước nhưng còn thiếu đồng bộ. Các vùng nguyên liệu tập trung cho sản xuất, chế biến được hình thành không nhiều, công tác dồn điền đổi thửa còn chậm. Cơ chế chính sách đối với thương mại trong nước nói chung, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối và tiêu thụ nông sản nói riêng chưa được sửa đổi bổ sung kịp thời. Khả năng tài chính của không ít doanh nghiệp thu mua nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp không đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất khi bước vào thời vụ nên ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Giá cả hàng nông sản và vật tư nông nghiệp chủ yếu lên xuống thất thường và phụ thuộc vào thị trường thế giới.



Tiếp tục nhân rộng mô hình thí điểm


Tổng kết về việc xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đánh giá: Kết quả bước đầu của việc xây dựng mô hình thí điểm đã góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc trong hoạt động tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Làm rõ vai trò cầu nối không thể thiếu của các hợp tác xã khi doanh nghiệp muốn liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư với số lượng lớn hộ nông dân và vai trò tích cực của các hộ kinh doanh trong hoạt động mua gom nông sản tại các vùng sản xuất không tập trung. Thứ trưởng cũng cho rằng, những kinh nghiệm của các địa phương và doanh nghiệp qua thực tiễn xây dựng mô hình thí điểm rất cần thiết đối với các địa phương và doanh nghiệp khác trong quá trình xây dựng, nhân rộng các chuỗi liên kết trong tiêu thụ và cung ứng hàng hóa cho nông dân theo hướng thiết thực, hiệu quả, bền vững.


Trong thời gian tới, để các mô hình thí điểm có thể hoàn thiện, nhân rộng ở từng địa phương và trên cả nước, theo các đại biểu cần phải giải quyết những tồn tại, hạn chế, đồng thời cần phải có thời gian để áp dụng trên các mặt hàng khác nhằm từng bước hoàn thiện mối liên kết kinh tế giữa các chủ thể Doanh nghiệp – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Nông dân sao cho sự liên kết được hiệu quả bền vững trên tinh thần “các bên cùng có lợi”. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm những giải pháp từ phía nhà nước, giải pháp từ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về các mô hình tiêu biểu và kinh nghiệm xây dựng mô hình của các địa phương đã làm tốt công tác này. Phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội và hiệp hội ngành hàng. Đẩy mạnh công tác khuyến công và xúc tiến thương mại. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn. Qua đó, cùng với mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, việc hoàn thiện và nhân rộng các mô hình thí điểm nêu trên sẽ góp phần và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung và quy mô lớn, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.



Nguồn: moit.gov.vn