Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong ba tháng đầu năm 2013 đạt 3,7 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 18,3%. Đặc biệt, trong quý I năm nay, xuất khẩu các mặt hàng may mặc của Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt tại các thị trường mới, không phải thị trường truyền thống của Việt Nam.
Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, trong quý I năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 111,4 triệu USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tại khu vực ASEAN, Campuchia là nước đứng đầu về kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, với kim ngạch đạt 45,7 triệu USD, tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tại một số thị trường khác cũng có mức tăng trưởng mạnh như Nigeria tăng 1.200%, sang Na Uy tăng 134,6%, sang New Zealand tăng 120%, sang Úc tăng 37%.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2013, làm thế nào để duy trì sản xuất đang là vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Tình hình xuất khẩu dệt may tại các thị trường lớn vẫn còn khó khăn, nhu cầu từ các thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU chỉ tăng tương đối chậm và có xu hướng giảm. Với những dự báo về kinh tế thế giới đưa ra cho năm 2013, dệt may Việt Nam hy vọng giữ được mức tăng trưởng ổn định như năm 2012.
Với những khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cần củng cố lại hoạt động sản xuất, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu truyền thống , duy trì các bạn hàng lâu năm như EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, v.v...
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện tại, khi nhu cầu tiêu dùng của các thị trường truyền thống như Mỹ, EU bị giảm sút, thay vì đợi các thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tích cực tìm kiếm cơ hội gặp gỡ những đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng dệt may của Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương