Sáng ngày 31/12/2015, Bộ Công Thương long trọng tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 tại ba điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì Hội nghị.
 
 
Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo các Tổng công ty, Tập đoàn, lãnh đạo các Uỷ ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo các Sở Công Thương và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan tham dự Hội nghị.Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, những thành tựu của ngành Công Thương đã đóng góp tích cực cho những kết quả chung của cả nước, là điều kiện quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của năm 2016 cũng như 5 năm tiếp theo.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hoàn thành các mục tiêu đã đề ra

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ XI, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015). Bên cạnh những thuận lợi nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự phục hồi chậm của thế giới, những căng thẳng về địa chính trị và xung đột lãnh thổ, tôn giáo, sắc tộc khu vực trong khu vực và trên thế giới; tình hình bất ổn trên biển Đông; giá dầu liên tục giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuát khẩu giảm... đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, trong đó có thương mại và phát triển sản xuất của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, do triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch cả năm, trong đó ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao, xuất khẩu tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng, cung cầu hàng hoá trong nước được đảm bảo, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016

Năm 2015, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ của các năm gần đây, tăng 2 điểm % so với kết hoạch (7,8%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cường cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng so với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.

Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt những kết qủa khả quan so với năm 2014. Chỉ số tiêu thụ tăng so với cùng kỳ. Tồn kho sản phẩm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2015 đac có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho tại thời điểm các tháng trong năm duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ (ở mức 9,5%).

Nhập siêu giữ ở mức 2%

Đối với hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2015 ước đạt khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014, tương đương 12,2 tỷ USD. Năm 2015, cả nước có 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2015 đã vượt qua khó khăn và đạt được kết quả khả quan tăng 8,1%. Đây là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng, kéo xuất khẩu tăng trưởng. Nhóm hàng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 ước đạt khoảng 165, 6 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2014, tương đương với 17,8 tỷ USD; nhập khẩu hàng hoá phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất, cơ cấu hàng hoá nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dàn tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt. Cả nước 2015, nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường hàng hoá trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hoá trên thị trường luôn được đảm bảo, giá cả nguyên nhiên vật liệu ở mức thấp... là những yếu tố thúc đẩy cầu tiêu dùng. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số lạm phát thấp giúp tiêu dùng trong nước được cải thiện, lượng hàng tồn kho đã ở mức bình thường. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ năm 2015 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm 2015, kết quả là tình trạng vận chuyển, kinh doanh thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm giảm so với các năm trước. Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, năm 2015 được đánh giá là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc; Kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016

Nhấn mạnh về một số nét về tình hình thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đối với sản xuất công nghiệp, giá trị tăng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 7,2%, đạt mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 của Chính phủ (tăng bình quân 7,2 - 7,7%) trong đó, giá trị tăng ngành công nghiệp tăng 7,6%; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng khoảng 10%. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng công ngheiepj khai khoáng giảm, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị ngành công nghiệp (trên 89%).

Ngành công nghiệp đã cơ bản đảm bảo nhu cầu nhiều mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và cho đời sống nhân dân. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng và phong phú về chủng loại, chất lượng được cải thiện, trong đó có nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng lên, v.v... Công nghiệp hàng tiêu dùng và thực phẩm, đồ uống cũng phát triển với tốc độ nhanh, thoả mãn nhu cầu trong nước và đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Gia đoạn 2011-2015, tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng trưởng khá, tăng khoảng 17,6%/năm, cao hơn giai đoạn 2006-2010 (tăng 17,3%) và cao hơn mức đề ra tại Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam đến năm 2020 (tăng từ 12-14), cao hơn mục tiêu Nghị quyết đại hội X (tăng 12%). Cơ cấu xuất khẩu có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, v.v... Cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dầu xuất khẩu sang thị trường châu Á, tăng thị trường xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm kim ngạch nhập khẩu khoảng 14,3%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của kim ngạch xuất khẩu (17,6%) nền kinh tế tiếp tục hướng vào xuất khẩu. Chỉ tiêu nhập siêu trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội X. Nhập siêu giảm là một trong những tác nhân quan trọng giúp giảm áp lực tăng tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Giai đoạn 2011 – 2015, thị trường trong nước giữ được mức tăng trưởng khá; Bộ cũng đã có nhiều cố gắng trong công tác chống buôn lậu, hang giả, hang nhái, hang không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, qua đó góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Trong năm 2015 và những năm gần đây, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả nhờ sự tích cực và quyết liệt trong tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập về kinh tế là trọng tâm; Tổng số doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ trước năm 2005 là 299 doanh nghiệp. Giai đoạn 2005-2010, Bộ đã cổ phần hóa xong 279 doanh nghiệp (đạt 93%), còn lại 20 doanh nghiệp tiếp tục cổ phần hóa trong đó 15/20 doanh nghiệp theo kế hoạc phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015.

Tận dụng tối đa những Hiệp định thương mại

5 năm qua, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó, tạo lập tương đối đồng bộ khung khổ pháp lý cho hoạt động công thương; chú trọng công tác chiến lược, quy hoạch; Từng bước tái cơ cấu ngành Công Thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Cải thiện cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng điện, hạ tầng thương mại; Cơ chế thị trường ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là cơ chế về giá xăng dầu, giá than, giá điện,v.v… Chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả vào thương mại toàn cầu.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2016, trong đó, để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước trong năm 2016 tăng 6,7%, ngành Công Thương phấn đấu đạt những mục tiêu, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015. Xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước tăng khoảng 11,5-12%.

Về sản xuất công nghiệp, phát triển công nghiệp với tốc độ hợp lý, đảm bảo tính bền vững; phát triển có chọn lọc những ngành công nghiệp mà nước ta có nhiều lợi thế; phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, v.v…

Đối với xuất khẩu tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới và lợi thế của Việt Nam và phải coi đây là khâu đột phá; phát triển xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam hiện đang có lợi thế; Ưu tiên nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn, hạn chế nhập khẩu các hang hóa trong nước đã sản xuất, hang xa xỉ; Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; Nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại, kinh tế, FTA; Đẩy mạnh huy động mọi nguồn vốn, hình thức đầu tư để triển khai nhanh các dự án trong kỳ kế hoạch, ưu tiên tập trung những dự án trọng điểm, tăng cường năng lực quản lý và điều hành; triển khai các dự án đúng tiến độ, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí trong từ dự án, v.v…

Đưa ngành Công Thương phát triển cao hơn, mạnh hơn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã đi qua năm 2015. Nhìn lại đi qua kế hoạch 5 năm 2011-2015 có nhiều đổi mới do nhiều thành tựu mang lại mặc dù Việt Nam đã phải đối đầu và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Bằng sự nỗ lực cả nước toàn Đảng, dân quân, toàn hệ thống Chính trị, doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng vui mừng, trân trọng. 5 năm qua Việt Nam cơ bản đạt mục tiêu tổng quát đề ra, kiểm soát lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Những thành tựu của ngành Công Thương đã đóng góp tích cực cho những kết quả chung của cả nước, là điều kiện quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của năm 2016 cũng như 5 năm tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những thành tựu của ngành Công Thương

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo, để đạt được những mục tiêu đề ra, thứ nhất, ngành Công Thương tiếp tục hoàn thiện thể chế, chiến lược, quy hoạch… theo hướng cơ chế thị trường để tạo điều kiện tốt nhất cho công nghiệp, thương mại phát triển mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất kinh doanh tốt và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; Thứ hai, mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt nhất những cơ hội từ hội nhập. Tận dụng tối đa những Hiệp định thương mại đã ký để tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các sản phẩm có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản,v.v…

Đồng thời, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường trong nước. Thứ ba, nâng cao hiệu quả của thị trường trong nước bởi thị trường với sức mua 90 triệu dân là thị trường rất lớn. Đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo vệ thị trường trong nước bằng các hàng rào thương mại phù hợp với cam kết quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng nhái. Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng nâng cao chất lượng từng ngành, từng lĩnh vực; Nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp và hiệu quả sản xuất kinh doanh; Thứ năm, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn, năm 2016, với tinh thần đoàn kết, phấn đấu, rất mong lãnh đạo và tập thể cán bộ ngành Công Thương sẽ phát huy những điểm mạnh, nỗ lực hoàn thành những chỉ tiêu đề ra, đưa ngành Công Thương phát triển cao hơn, mạnh hơn, đóng góp tích cực cho nền kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ của Thủ tướng, sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ, ngành liên quan, sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương năm 2015 đã kết thúc với những kết quả đáng ghi nhận, hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời cam kết, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực đạt được những kết quả cao nhất cho năm 2016 nhằm góp phần cùng cả nước đạt mức tăng trưởng 6,7%. Phấn đấu đưa giá trị gia tăng của ngành Công Thương đạt trên 7%; Chỉ số sản xuất công nghiệp trên 10%; Tăng trưởng xuất khẩu đạt 10%, kiểm soát tốt nhập khẩu để giữ nhập siêu dưới 5%.

Với những kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã quyết định tặng Bằng khen và Cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm 2015.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tặng Bằng khen và Cờ thi đua cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong năm 2015

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng đã phát động phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng thời chào mừng kỷ niệm 65 năm ngành Công Thương.

 

 
nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương