Theo đánh giá của Viện nghiên cứu da giày (Bộ Công Thương): Hiện nay các sản phẩm da giày của nước ta chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường chủ lực như EU, Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, ở những thị trường này các sản phẩm giày dép xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản, trong đó nổi bật là việc áp thuế chống bán phá giá.
Thống kê mới nhất của Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương cũng cho thấy, các sản phẩm giày dép đứng thứ 2 và chiếm 14% trong tổng số 10 ngành hàng xuất khẩu bị kiện chống bán phá giá từ năm 1994 đến nay. Các vụ kiện chống bán phá giá đã và đang làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu da giày bị thiệt hại nặng nề cả về kim ngạch xuất khẩu và lợi nhuận, đặc biệt là từ khi EU bỏ chính sách ưu đãi thuế quan dành cho các nước đang phát triển đối với các sản phẩm da giày nhập khẩu từ Việt Nam và quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam đến năm 2011. Trong khi đó, việc mở rộng sang những thị trường mới của các doanh nghiệp da giày cũng không suôn sẻ. Giày dép xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nam Mỹ, cụ thể là Brazil cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.
Ở khía cạnh khác, ngành da giầy xuất khẩu của nước ta cũng đang chịu sức ép rất lớn về khả năng cạnh tranh. Hiện các sản phẩm giày thể thao, giày nữ, giày vải của Việt Nam là có khả năng cạnh tranh, một số sản phẩm còn lại sức cạnh tranh yếu do công nghệ sản xuất lạc hậu và chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng ngày càng cao của nhiều thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam: Để ngành da giày phát triển bền vững phải đi từng bước, trước hết là từ phía các doanh nghiệp. Việc tạo dựng một thương hiệu cho giày da Việt Nam tại thị trường quốc tế là một điều ngoài tầm của doanh nghiệp vì chi phí quá lớn. Do đó phải thực hiện theo lộ trình, trước hết là phải tạo dựng được thương hiệu và giành lại thị phần ở thị trường nội địa. Lâu nay, việc tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu đã khiến các doanh nghiệp bỏ quên thị trường nội địa đầy tiềm năng. Thực tế cho thấy, 55% thị phần tại thị trường nội địa đã bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm giữ.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu da giày Việt Nam, hầu hết 3 phân khúc thị trường thấp, trung và cao cấp, giầy dép trong nước đều lép vế so với hàng ngoại nhập, trong đó nguyên nhân quan trọng là sự yếu kém về khâu thiết kế mẫu mã.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP.HCM, cũng thừa nhận, thiết kế là khâu yếu nhất của ngành da giày nước ta, đây cũng là nguyên nhân khiến cho 70% doanh nghiệp trong ngành vẫn phải làm hàng gia công dù ngành sản xuất da giày nước ta đã có cách đây ¼ thế kỷ. Bên cạnh đó, việc sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày trong nước cũng chỉ đáp ứng rất ít nhu cầu của doanh nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm khoảng 50% trong khi nguyên phụ liệu chiếm đến 75% giá thành của sản phẩm. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu đang làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho thu nhập của người lao động trong ngành da giày luôn ở mức thấp dẫn đến tình trạng tình trạng biến động lao động trầm trọng như hiện nay.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành da-giầy Việt Nam đến năm 2020 thì kim ngạch xuất khẩu của ngành phải đạt khoảng 16,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa là 80%. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Da giày đang kiến nghị với Bộ Công Thương nghiên cứu hỗ trợ cho ngành da giày Việt Nam xây dựng một thương hiệu của ngành công nghiệp thời trang, trong đó chú trọng nhất là khâu đào tạo lực lượng thiết kế tạo giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, ngành da giày cũng đang đang từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành hàng, đổi mới máy móc thiết bị, chú trọng xuất khẩu các sản phẩm trung và cao cấp tập trung quản lý và thiết kế mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Thùy Dương, Báo Công Thương