Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 30-1, chủ tịch VSA Phạm Chí Cường nhận định rằng, mức tăng trưởng rất khiêm tốn đó đã giảm từ 6 đến 7 lần so với thời kỳ tăng trưởng đỉnh cao 2005-2009, đều ở mức trên 20%/năm.
Lý do của vấn đề này là tình hình nền kinh tế năm 2011 và rồi năm 2012 được cho là sẽ không còn nhiều thuận lợi cho ngành thép nói riêng như những năm trước. “Vấn đề cốt tử nhất của các doanh nghiệp thép năm 2012 là làm thế nào duy trì sản xuất hiệu quả chứ không phải sản xuất bằng mọi giá”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng lưu ý đến thực trạng rằng nhiều dự án đầu tư đã dư thừa vì tình trạng đầu tư thiếu kiểm soát. "Do vậy vấn đề quan trọng nhất là ổn định đầu ra, tránh tình trạng đầu tư và sản xuất khiến thị trường mất cân đối nghiêm trọng”, ông nói.
Chủ tịch VSA cho rằng vấn đề của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2012 cũng không khác các ngành sản xuất, kinh doanh khác, tức là buộc phải cơ cấu lại vấn đề sản xuất. “Những dự án nào không hiệu quả cũng không nên tồn tại”, ông nói.
Lý do là sản xuất trong nước thì dư thừa. Bộ Công Thương thống kê được, ngay từ những tháng cuối năm 2011, khác với mọi năm, nhu cầu không tăng nên các doanh nghiệp trong ngành sản xuất cầm chừng, tránh tồn kho cũng như ứ đọng vốn. Ước lượng sản xuất thép trong nước năm 2011 đạt 7 triệu tấn, có dấu hiệu giảm hơn 1% so với năm 2010. “Những tháng đầu năm 2012 sẽ còn giảm đi nữa vì tồn kho phôi thép và thành phẩm còn nhiều, trong khi nhu cầu chưa trở lại”, ông Cường nói.
Lý do khác cũng do dư thừa nên ngành thép phải hướng đến xuất khẩu. Với việc xuất đi 2 triệu tấn thép các loại năm 2011, ngành thép đã thu về gần 2 tỉ đô la, tăng 56,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, kinh tế nước ngoài cũng không thuận lợi nên các doanh nghiệp phải đối mặt với hàng loạt khó khăn ở thị trường ngoại, chẳng hạn như đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, thép giá rẻ từ ASEAN và Trung Quốc cũng đẩy ngược trở lại thị trường Việt Nam khiến cạnh tranh càng trở nên gay gắt.
Thực tế, theo ông Cường, khó khăn của năm 2011 đã khiến 5 đến 6 doanh nghiệp ngành thép phá sản và nhiều doanh nghiệp khác “chết lâm sàng”. Báo cáo tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thành viên về hiệp hội cho thấy, những tháng cuối năm 2011 nhiều doanh nghiệp chỉ còn sản xuất cầm chừng hoặc “ăn“ vào lợi nhuận của những tháng đầu năm. Hay nói khác đi, sự phá sản của số doanh nghiệp ngành thép nói trên đã làm giảm công suất của toàn ngành từ 25% đến 30% .
“Tình hình tiêu thụ thép chậm, sức ép đầu vào gia tăng, thị trường không chấp nhận những doanh nghiệp còn tồn tại trên các chỉ tiêu kinh tế lạc hậu”, ông Cường khẳng định.
Đầu tư ngành thép sẽ chững lại
Bộ Công Thương yêu cầu năm 2012 đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án thép lớn, trọng điểm như dự án cải tạo gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (công suất khoảng 500.000 tấn phôi vuông/năm; dự án nhà máy gang thép Lào Cai (500.000 tấn phôi vuông/năm); nhà máy thép Thạch Khê 2 triệu tấn/năm, dự án nhà máy thép cuộn, thép lá cán nóng chất lượng cao liên doanh giữa tập đoàn ESSA (Ấn Độ) và một số doanh nghiệp trong nước (công suất 2 triệuh tấn/năm).
Các chuyên gia ngành thép dự báo việc đầu tư vào các dự án thép sẽ chững lại trong các năm tới do ảnh hưởng của thị trường và do công suất sản xuất các loại thép xây dựng, thép cán nguội đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước.
“Thông thường doanh nghiệp ngành thép đón tương lai đề đầu tư, nhưng khi khả năng tiêu thụ trong tương lai không khả quan thì rất khó để doanh nghiệp quyết định đầu tư”, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt nói. .
Ông Thái nói Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online việc đầu tư vào các dự án thép, kể cả trong nước và đầu tư nước ngoài, sẽ chững lại ít nhất là trong vòng 5 năm tới.
Đồng tình với nhận định trên, Phó chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, khả năng không ai đầu tư vào các dự án thép nữa rất cao bởi hiện tại, công suất thép xây dựng cả nước đã dư thừa, lên đến 9 triệu tấn, trong khi tiêu thụ cả nước trong năm 2012 dự kiến chỉ đạt gần 6 triệu tấn/năm.
“Đến nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu thấm thía việc đầu tư tràn lan vào các dự án thép thời gian trước đây, càng đầu tư thêm thì càng dư thừa”, ông Nghi nói.
Ngoài ra, đối với thép cán nguội, ông Nghi cho biết hiện đang có rất nhiều dự án đầu tư đối với loại sản phẩm này với công suất lên đến gần 3,6 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ chỉ khoảng 1,7 triệu tấn/năm.
Liên quan đến thông tin Bộ Thương mại Mỹ công bố sẽ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép ống đen, thép ống mạ từ Việt Nam xuất sang thị trường này, ông Nghi cho biết đến nay, phía Mỹ đã xác định được 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc gồm Thép SeAH Steel Vina (100% vốn Hàn Quốc tại Đồng Nai) và Thép Hồng Nguyên (tại Hải Phòng).
Ông Nghi cho biết Công ty Hồng Nguyên là doanh nghiệp không có trong danh sách 10 doanh nghiệp mà Bộ Thương mại Mỹ công bố trước đây. Theo ông Nghi, hiện hai doanh nghiệp nói trên đã thuê luật sư nước ngoài để củng cố hồ sơ pháp lý, đối phó trực tiếp với vụ kiện này.
Trước đó, vào tháng 10-2011, các thành viên của ngành thép ống thép cuộn cacbon của Mỹ đã nộp đơn kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép ống thép cuộn carbon của bốn nước Ấn Độ, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Việt Nam. Nguyên đơn của Mỹ bao gồm Allied Tube & Conduit, JMC Steel Group, Wheatland Tube, và Tập đoàn sắt thép Mỹ.
Theo đó, 10 doanh nghiệp thép của Việt Nam nằm trong danh sách bị điều tra gồm Hữu Liên Á Châu, Daiwa Lance Intenational, Ống thép Hòa Phát, Hoa Sen, Thép ống Hyundai-Huy Hoang, SeAH Steel Vina, Thép ống Tianjin Lida, Thép ống Việt – Đức, Công ty thép ống Việt Nam và Thép Vingal.
Cũng theo ông Nghi, các doanh nghiệp không nằm trong diện bị điều tra bắt buộc cũng sẽ thực hiện việc khai báo các số liệu về xuất khẩu và làm đơn xin điều tra tự nguyện nếu có nhu cầu tiếp tục xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ.
Theo TBKTSG