Nhằm giúp độc giả có thêm thông tin về những vấn đề này, cuối tuần qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc Tọa đàm về 2 dự án trên với sự tham gia của các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan.

Tầm quan trọng của 2 dự án điện

Thủy điện Lai Châu là bậc thang trên cùng của dòng chính sông Đà, dự kiến được xây dựng tại xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Dự án do EVN làm chủ đầu tư dự kiến sẽ phát điện tổ máy cuối vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017. Với tổng vốn đầu tư sơ bộ ước tính hơn 32.000 tỷ đồng, Thủy điện Lai Châu có thiết kế mực nước dâng bình thường 295 m, mực nước chết 270 m, công suất lắp máy 1.200 MW với 4 tổ máy. Lượng điện cấp bình quân đạt 4.704 triệu kwh/năm. Đây là công trình thủy điện có vai trò quan trọng trong việc phát điện cung cấp cho đất nước, tham gia cấp nước cho đồng bằng sông Hồng về mùa kiệt; tạo cơ hội góp phần phát triển kinh tế-xã hội hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, đặc biệt là huyện miền núi Mường Tè, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên công suất 2.000 MW sẽ được xây dựng tại xã Phước Dinh (huyện Ninh Phước) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) vào năm 2015. Tổng số vốn dành cho dự án 11 - 12 tỷ USD cho mỗi nhà máy. Dự kiến năm 2020 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình hình thiếu điện nghiêm trọng ở Việt Nam trong những năm tới.

Chuẩn bị tốt các điều kiện di dân

Theo ông Dương Quang Thành, phó TGĐ EVN, để xây dựng thủy điện Lai Châu, sẽ có 1.661 hộ dân với 5.867 khẩu thuộc 8 xã và 1 thị trấn phải di dời đến nơi ở mới, chủ yếu tập trung ở huyện Mường Tè. Hiện nay, EVN đã lập chi phí đền bù, di dân tái định cư của công trình này theo cơ chế của thủy điện Sơn La. Theo ông Lò Văn Giàng, chủ tịch tỉnh Lai Châu, Tỉnh đã cùng các già làng trưởng bản thị sát tận nơi, nghiên cứu từng địa bàn về đất ở, đất sản xuất, các điệu kiện về xây dựng hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nguồn nước. Tất cả các nội dung đã được thực hiện trong dự thảo quy hoạch, được thông báo đến từng bản, từng hộ dân và được bà con rất ủng hộ. Gắn với quá trình tái định cư, tỉnh cũng đề xuất dự án trồng 10.000 ha cao su nhằm giúp người dân chuyển đổi mô hình sản xuất.

Về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Dương Quang Thành cho biết: Số lượng dân phải di dời khoảng 2000 hộ. EVN đã trình lên Chính phủ phương án đền bù áp dụng mức cao nhất để hỗ trợ bà con đến nơi ở mới. Rút kinh nghiệm các dự án trước, EVN đã tính toán để hạn chế tối đa những xáo trộn trong cuộc sống của bà con. Ví dụ: khu vực Vĩnh Hải bà con vốn quen làm nông nghiệp thì sẽ lựa chọn nơi tái định cư có đất nông nghiệp. Khu vực Phước Dinh bà con chủ yếu sống bằng nghề đánh cá thì sẽ di chuyển bà con đến vùng ven biển để bà con có thể giữ nghề.

Đã tính toán kỹ các yếu tố an toàn

Xung quanh những băn khoăn về việc bảo đảm an ninh quốc phòng trong quá trình xây dựng và vận hành Thủy điện Lai Châu, đại diện EVN cho biết, công trình đã được tính toán có thể chịu được động đất ở cấp 9. Thậm chí cả khi xảy ra bài toán vỡ đập ở phía thượng nguồn sông Đà bên Trung Quốc tại đập Tukahe với dung tích 78 triệu m3(ở dự án cuối cùng của Trung Quốc) cách biên giới Việt Nam 13 km thì thủy điện Lai Châu vẫn có khả năng chịu được.

Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Lê Văn Hồng, phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Việc lực chọn địa điểm căn cứ vào các tiêu chí của Tổ chức năng lượng quốc tế (IAEA), căn cứ vào kinh nghiệm thực tế của các nước đã có điện hạt nhân và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Sau khi so sánh đối chiếu khoảng 34 tiêu chí để lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đã có 8 địa điểm được coi là phù hợp, trong đó ưu việt nhất là 2 địa điểm tại Ninh Thuận. Tại đây, các nhà chuyên môn đã đã nghiên cứu kỹ về hệ số an toàn như động đất, núi lửa, sóng thần, nước biển dâng. Việc nghiên cứu về phóng xạ môi trường và cất giữ các thanh nhiên liệu cũng đã được tính toán đầy đủ.

Tính kinh tế của thủy điện và điện hạt nhân

Theo ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, tính kinh tế của thủy điện Lai Châu là hiển nhiên vì không phải mua nhiên liệu. Còn dùng điện hạt nhân thì suất đầu tư có đắt hơn, lên tới 3.500USD - 3.800USD/kW. Như vậy, một tổ máy 1.000MW điện hạt nhân sẽ có tổng vốn đầu tư lên tới trên 3 - 4 tỷ USD, gấp ba lần mức đầu tư nhiệt điện. Tuy nhiên, đầu tư điện hạt nhân vẫn rẻ hơn các nhà máy nhiệt điện trong tương lai. Tất nhiên, không thể so sánh vói nguồn điện sử dụng nguồn nhiên liệu trong nước hiện nay vì giá than, khí bán cho các nhà máy điện ở trong nước vẫn đang thấp hơn giá thị trường. Thế nhưng, từ giai đoạn 2020 trở đi, khi Việt Nam phải nhập khẩu nhiên liệu và giá nhiên liệu trong nước tiệm cận giá thị trường thế giới thì dùng điện hạt nhân sẽ kinh tế hơn rất nhiều. Bởi khi đó điện hạt nhân sẽ có giá 5,6 cent/kWh, chắc chắn sẽ không đắt hơn so với giá điện sản xuất từ than nhập. Còn điện chạy dầu hiện nay đã lên tới 15 cent/kWh (gần gấp 3 lần giá điện hạt nhân trong tương lai)

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Xung quanh các câu hỏi về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, ông Lê Văn Hồng, phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: Hiện nay việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng như: hệ thống pháp lý, kỹ thuật, chuyên gia, nhân lực, các điều kiện phụ trợ liên quan… đều đang được chuẩn bị rất tích cực với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các nước có ngành công nghiệp điện hạt nhân phát triển như Nhật, Pháp, Hàn Quốc. Công nghệ được lựa chọn cho nhà máy điện hạt nhân sẽ phải đáp ứng được các yêu cầu: hiện đại, tiên tiến, đã được kiểm chứng, có hiệu quả và vận hành an toàn.

Hiện nay, ngoài nguồn nhân lực hạt nhân của Việt Nam tại Viện Năng lượng nguyên tử (khoảng 500 người) còn có lực lượng chuyên về lĩnh vực hạt nhân tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và EVN.

Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành cũng cho biết: Từ năm 2005 đến nay, EVN đã gửi khoảng 200 lượt sinh viên tài năng sang đào tạo ở Nga, Pháp, Nhật để chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án. Theo kế hoạch, hàng năm EVN vẫn tiếp tục cử cán bộ đi học tập và nghiên cứu tại các nước tiên tiến và đào tạo tại lò hạt nhân Đà Lạt.

Ngoài ra, chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện dự án (quản lý, xây dựng, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng...) cũng được EVN hoàn thành việc xây dựng từ cuối năm 2006.

Về cơ sở pháp lý, ông Hồng cho hay, từ năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược năng lượng nguyên tử và diễn biến hòa bình đến năm 2020. Hiện Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Năng lượng Nguyên tử đã được các bộ lấy ý kiến và hoàn chỉnh lần cuối trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Các Bộ Khoa học- công nghệ, Công Thương và các bộ, ngành liên quan cũng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống văn bản đồng bộ, xây dựng các đề án phù hợp với mục tiêu phát triển chương trình điện hạt nhân.
 

CTV.Ngọc Loan