Hà Nam là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, là một trong những tỉnh có lợi thế về tài nguyên khoáng sản đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng, đá vôi hóa chất, đá đolomit, đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường ... được phân bố chủ yếu ở phía Tây và Tây Nam địa bàn 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm với trữ lượng 3.657 triệu tấn đá vôi xi măng, 539 triệu tấn sét xi măng, 32 triệu tấn đá vôi hóa chất, 132 triệu tấn đá đolomit, 4.498 triệu tấn đá vôi xây dựng ...


Khi tái lập Tỉnh (năm 1997) hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn rất nghèo nàn lạc hậu. Số lượng doanh nghiệp ít, sản lượng đá khai thác làm nguyên liệu sản xuất xi măng đạt khoảng 100.000 m3, đá làm VLXD thông thường đạt 934.000 m3.


Về quy trình công nghệ khai thác thì chỉ có 2 doanh nghiệp đầu tư dự án khai thác theo hướng công nghiệp hiện đại, tiến hành mở vỉa bằng đường hào vận tải ôtô và áp dụng hệ thống khai thác khấu theo lớp bằng vận tải trực tiếp là Công ty xi măng Bút Sơn và Công ty XD Công trình Giao thông 2. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chủ yếu tiến hành mở vỉa và áp dụng hệ thống khai thác khấu theo lớp dốc đứng cắt tầng nhỏ. Còn các Tổ hợp và Hợp tác xã áp dụng hệ thống khai thác không theo đúng quy trình, phương pháp khai thác chủ yếu là khoét sâu vào thân núi tạo kiểu hàm ếch.


Phương pháp nổ mìn ở giai đoạn này chủ yếu là nổ mìn điện tức thời và nổ mìn đốt. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tái chế, ảnh hưởng đến môi trường. Riêng hai doanh nghiệp là Công ty xi măng Bút Sơn và Công ty xây dựng công trình Giao thông 2 tiến hành khai thác khấu theo lớp bằng vận tải trực tiếp bằng ôtô, khi nổ bãi mìn lớn áp dụng phương pháp nổ mìn vi sai điện hoặc vi sai phi điện.


Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, với mục tiêu ưu tiên phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp vật liệu xây dựng là trọng tâm, phấn đấu đến năm 2015: Sản lượng xi măng đạt 8 ÷ 10 triệu tấn; đá xây dựng đạt 9,5 triệu m3. Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư. Kinh tế của tỉnh Hà Nam nói chung và lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng nói riêng phát triển mạnh về cả chất và lượng. Quy mô các dự án đầu tư được nâng cấp và mở rộng, máy móc thiết bị được đầu tư đồng bộ với công suất lớn, quy trình công nghệ khai thác áp dụng phù hợp với tính chất và quy mô của dự án.


Các dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có lợi thế là diện tích mỏ rộng, khả năng tài chính tốt ... khi lập thiết kế cơ sở Dự án đều đưa ra phương án tiến hành mở vỉa bằng đường hào vận tải ôtô, áp dụng hệ thống khai thác khấu theo lớp bằng vận tải trực tiếp hoặc tiến hành mở vỉa bằng đường hào ôtô và đường hào di chuyển thiết bị, áp dụng hệ thống khai thác hỗn hợp, phía trên khấu theo lớp xiên xúc - gạt chuyển, phía dưới khấu theo lớp bằng vận tải trực tiếp.


Với hình thức mở vỉa và áp dụng hệ thống khai thác như trên thì công trình mỏ lần lượt phát triển từ trên xuống dưới, hết lớp này đến lớp khác, hết lớp ngoài đến lớp trong có ưu điểm là: Cơ động, linh hoạt, thích nghi với địa hình đồi núi; khả năng cơ giới hóa cao, đáp ứng được nhu cầu sản lượng lớn; điều kiện làm việc an toàn và thuận lợi; tổ chức vận tải và điều hành công tác trên mỏ đơn giản, tập trung; giảm thiểu tối đa việc mất an toàn lao động. Nhưng nhược điểm là: khối lượng mở vỉa và chuẩn bị mặt tầng công tác đầu tiên lớn; thời gian xây dựng mỏ dài; đầu tư cơ bản lớn; chưa tạo ra sản phẩm ngay.
Song song với việc áp dụng quy trình công nghệ khai thác như trên thì phương pháp nổ mìn cũng được các doanh nghiệp áp dụng một cách đồng bộ như: Doanh nghiệp áp dụng hệ thống khai thác khấu theo lớp bằng vận tải trực tiếp thì áp dụng phương pháp nổ mìn vi sai điện hoặc vi sai phi điện. Với phương pháp nổ mìn vi sai sẽ tăng hiệu quả đập vỡ đá đồng đều hơn, giảm đá quá vụn và đá quá cỡ, giảm được chỉ tiêu thuốc nổ, mạng lưới lỗ khoan được mở rộng, giảm tác dụng chấn động, giảm đá văng và sóng đập không khí. Nhưng nhược điểm của hai phương pháp này là: chi phí lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.


Các doanh nghiệp áp dụng hệ thống khai thác khấu theo lớp xiên xúc chuyển thì áp dụng phương pháp nổ mìn điện tức thời hoặc vi sai điện. Với phương pháp nổ mìn này việc thực hiện đấu mạng nổ sẽ dễ thực hiện, đồng thời giảm chi phí và giảm thời gian thi công. Nhưng nhược điểm của phương pháp này là: hiệu quả đập vỡ đá đồng đều không cao, tăng đá quá vụn và đá quá cỡ, gây chấn động mạnh, dễ phát sinh hiện tượng đá văng xa, tăng sóng đập không khí.


Nhằm giảm thiểu tác động đến môi không khí và môi trường nước mặt, được sự hướng dẫn và khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp đã chủ động thay thế việc sử dụng thuốc nổ có ảnh hưởng đến môi trường bằng những loại thuốc nổ thân thiện với môi trường như: không sử dụng thuốc nổ TNT tái chế và thay thế bằng thuốc nổ AnFo ...


Với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sau 15 năm tái lập Tỉnh, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đã có những thay đổi vượt bậc về chất, trong đó sự thay đổi về quy trình công nghệ và hoạt động VLNCN trong khai thác khoáng sản được thể hiện rất rõ như: Không còn hình thức khai thác thủ công khoét sâu vào thân núi tạo kiểu hàm ếch, dễ dẫn đến hiện tượng sập lở đá gây mất an toàn lao động; phương pháp nổ mìn đốt để phá đá trên tầng khai thác không còn sử dụng; doanh nghiệp đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị và dây chuyền chế biến đá có tính đồng bộ cao; sản lượng khai thác, hiệu quả sản xuất và thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước; tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương, góp phần đáng kể vào ngân sách nhà nước địa phương và công cuộc công nghiệp hóa hiện - đại hóa đất nước./.
 

Sở Công Thương tỉnh Hà Nam