Quy hoạch các ngành công nghiệp
Bất chấp những khó khăn về rào cản thương mại, nguồn nguyên liệu khan hiếm, ngành dệt may vẫn có những tăng trưởng đáng kể với hơn 4,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2010.


Thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may hiện tại vẫn là Mỹ và Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt 2,217 tỷ USD, tăng 23,8%, vào Nhật Bản cũng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2009. Những thị trường mới như Đài Loan, Hàn Quốc, ASEAN cũng có mức tăng đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2010 của dệt may đạt 4,85 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu về tăng trưởng kim ngạch trong các nhóm hàng xuất khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đang có sự tăng trưởng khá mạnh ở hầu hết các thị trường truyền thống, trong đó dẫn đầu là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 475,6 triệu USD. Đứng sau thị trường Mỹ là 10 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trên 10 triệu USD, trong đó Nhật Bản đứng đầu với 80 triệu USD; Đức 31,4 triệu USD; Tây Ban Nha 26,8 triệu USD; Anh 25,4 triệu USD; Canada 19 triệu USD; Hàn Quốc 17 triệu USD còn lại, Đài Loan, Bỉ, Pháp, Hà Lan đều trên 13 triệu USD.

Trong nhiều năm gần đây, thị trường Mỹ luôn dẫn đầu về nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Xuất khẩu nhóm hàng này vào Mỹ luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước và khoảng 40% tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu của cả nước sang thị trường này. Hiện thị trường Mỹ cũng đang được kỳ vọng sẽ có vai trò quyết định trong mục tiêu về đích 10,5 tỷ USD của hàng dệt may xuất khẩu nước ta trong năm 2010.

Thị trường EU và Nhật Bản cũng là hai thị trường lớn nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam với tỷ trọng lần lượt là 18% và 11% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước trong năm 2009. Trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may vào thị trường Nhật Bản vẫn duy trì khá tốt với 12%, riêng thị trường EU, tuy có mức tăng trưởng khá chậm hơn nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hàng dệt may của Việt Nam đang có cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá trên thị trường quốc tế và tăng cao so với đồng euro từ đầu năm đến nay, sẽ làm giảm hàng xuất của Trung Quốc sang EU. Đây là những cơ hội tốt cho các nhà cung cấp khác, trong đó có Việt Nam.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ở thời điểm này, lượng đơn đặt hàng của các công ty may Ấn Độ đang tăng mạnh. Cùng với sự kiện giao lưu thương mại giữa các doanh nghiệp sản xuất dệt may Việt Nam và Ấn Độ vừa diễn ra gần đây tại hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại thị trường rộng lớn và giàu tiềm năng này.

Với kết quả xuất khẩu khả quan và những tín hiệu tốt từ các thị trường, xuất khẩu dệt may đang được kỳ vọng là sẽ về đích đúng hẹn với kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD trong năm nay.
 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử