Theo báo cáo của Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương): Vượt qua các khó khăn về vị trí địa lý, 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc bộ đã phát huy tốt lợi thế vùng miền, đạt mức tăng trưởng khá trong giai đoạn 2006-2010.
Hiện nay, toàn vùng đã quy hoạch được 49 khu công nghiệp với tổng diện tích 8.083ha và 226 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 7.013ha. Trong đó, số CCN đã thành lập là 115 cụm với tổng diện tích là 3.841ha. Tính đến 4/2010, đã có 8/14 tỉnh trong vùng lập quy hoạch phát triển CCN đến năm 2010 hoặc 2015, có định hướng đến năm 2020.
Hoạt động khuyến công của vùng trong giai đoạn 2006-2010 dự kiến đạt 86,5 tỷ đồng, tăng bình quân 31,51% chiếm 16% tổng kinh phí khuyến công cả nước. Toàn vùng đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho 26.531 lao động nông thôn; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho 5.590 lượt người; tập huấn về khởi sự doanh nghiệp cho 2.735 lượt học viên có nhu cầu khởi sự thành lập DN; hỗ trợ được 743 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước; hỗ trợ đăng ký thương hiệu cho 26 cơ sở công nghiệp nông thôn; đã xuất bản được 294 ấn phẩm khuyến công và 164 chương trình truyền hình…
Cũng trong giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất của DN công nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể tăng trung bình 25%/năm, (trong đó riêng năm 2010 ước đạt mức 16.500 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2006) và số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dân doanh tăng trung bình 6%/năm. Tính đến nay, các DN nhỏ và vừa trong vùng đã tạo công ăn việc làm cho gần 500.000 người, tăng 30% so với năm 2006.
Miền trung du, miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp chế biến nông – lâm - thủy sản, thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch - kinh tế cửa khẩu,…
Về thương mại, theo Cục Công nghiệp địa phương, giai đoạn 2006-2010 tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường nội địa đạt 283.431 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 23,8%. Trong đó, riêng năm 2010 ước đạt 71.993 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2005 là 24.784 tỷ đồng. Hệ thống chợ trên địa bàn vùng cũng được đầu tư xây dựng thuận lợi, tính đến hết năm 2009, 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc bộ đã có 1.313 chợ, trong đó có 8 chợ hạng I, 74 chợ hạng II và 1.231 chợ hạng III. Hiện tại, nhiều địa phương trong vùng cũng đang quan tâm đến việc phát triển hạ tầng thương mại, tổ chức các hoạt động quảng bá để thu hút đầu tư.
Bên cạnh thương mại nội địa, hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt được những kết quả nhất định. Tính chung cả giai đoạn 2006-2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 17.266,5 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân chung là 16,9%/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 5.911,2 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân chung hàng năm là 21,3%, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là chè, thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, khoáng sản, vật liệu xây dựng, nông sản, hoa quả các loại… với các thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN, Mỹ, EU…Kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 2006-2010 đạt 11.355,5 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 14,3%/năm. Hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu là các loại máy móc thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, nguyên liệu…
Cục Công nghiệp địa phương cho biết, mục tiêu của vùng trong giai đoạn 2011-2015 là sẽ tiếp tục phát huy lợi thế vùng miền, phấn đấu nâng cao vị thế của vùng trung du, miền núi Bắc bộ, từng bước thu hẹp dần mức chênh lệnh về trình độ phát triển kinh tế của vùng so với mức bình quân của cả nước, tạo giá trị gia tăng lớn, đẩy mạnh công nghiệp hóa và đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, về công nghiệp: Toàn vùng phấn đấu đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp sẽ đạt 115.388 tỷ đồng, tăng gấp 2,54% so với năm 2010, và tăng gấp 2,46 lần so với giai đoạn 2006-2010. Về thương mại, phấn đấu tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 đạt 38.586,5 triệu USD với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 16,9%/năm, tăng gấp 2,23 lần giai đoạn 2006-2010.
Nguồn: Ven.vn