Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2011 ước đạt 915,86 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2010. Trong đó, sự tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung và được coi là mục tiêu quan trọng trong hướng phát triển của ngành Công Thương.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng khá tích cực (xuất khẩu tăng 34,7%, nhập khẩu tăng 26,4%). Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với 2010 (vượt 10% so với chỉ tiêu của Quốc hội). Nhập siêu đạt khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu đề ra của Quốc hội (18%) và Chính phủ (16%). Thị trường trong nước tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ bình quân hàng tháng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Cung cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, kết cấu hạ tầng thương mại được nâng cấp, mở rộng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo kế hoạch 2012, Bộ Công Thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng 13% so với 2011 và đạt 13,5%/năm vào 2015. Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp năm 2012 tăng 7,5%, đến 2015 tăng 7,8%. Xuất khẩu 2012 tăng 13% (kim ngạch xuất khẩu khoảng 108,5 tỷ USD), đến 2015 tăng 12,1%/năm, (kim ngạch xuất khẩu đạt 133 tỷ USD). Năm 2012, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu, đến 2015 nhập siêu 9,8% so với kim ngạch nhập khẩu. Bộ cũng đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện các nhiệm vụ về sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu; phát triển thị trường nội địa; đầu tư; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, năm qua, công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh thể hiện sự cố gắng lớn của ngành Công Thương trong việc nỗ lực đẩy mạnh giá trị gia tăng trong công nghiệp. Đây chính là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển của ngành Công Thương. Đặc biệt, khi hệ thống phân phối trong nước xây dựng còn chậm do thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm quản lý. Kim ngạch nhập khẩu thấp hơn kế hoạch đề ra là thắng lợi đáng kể trong nỗ lực kiềm chế nhập siêu, nhất là sự duy trì tốt việc giảm nhập khẩu các nhóm hàng cần kiểm soát. Tuy nhiên, giá trị tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Thị trường nước ngoài đã mở nhưng các doanh nghiệp chưa tận dụng hết cơ hội. Tốc độ đổi mới công nghệ thấp. Năng suất lao động tăng trưởng chậm. Sức ép với các doanh nghiệp về cạnh tranh, đổi mới công nghệ chưa cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hiện nay, tiềm năng lợi thế ở nước ta vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến từ 84,1% (năm 2006) lên 85,5% (năm 2010) đã thể hiện hướng đi đúng trong việc tăng hàm lượng giá trị xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng trưởng cao nhất (26,59% vào năm 2010) với sự dẫn đầu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho thấy các chủ thể tham gia xuất khẩu rất đa dạng và hoạt động ngày càng hiệu quả. Việc giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác từ 10,3% năm 2006 xuống 9,1% năm 2010 đã thể hiện sự cố gắng lớn của ngành Công Thương trong việc nỗ lực tăng dần giá trị gia tăng trong công nghiệp.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch vẫn còn chậm vì còn nhiều khó khăn về năng suất lao động, vốn đầu tư, thị trường, đơn hàng… Điển hình là ngành dệt may đang gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào vùng nguyên liệu do thiếu vốn, chính sách lại chưa hấp dẫn. Kế hoạch mở rộng thị trường lao động trong nước và thu hút đầu tư FDI gặp khó do tỉ suất lợi nhuận thấp. Phó Thủ tướng chỉ đạo, muốn duy trì và phát triển tốt, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy kinh tế thị trường, tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối...
Khánh Chi