Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.


Theo Thứ trưởng, lý do nào khiến Bộ Tài chính hiện nay chưa tiến hành truy thu thuế với các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện nhưng không đáp ứng được mức độ rời rạc theo quy định tại QĐ 05?

Theo tôi hiểu, một mặt, Bộ Tài chính thấy cần cân nhắc kỹ mọi mặt của vấn đề, nhất là khi chính Bộ Khoa học và Công nghệ - cơ quan ban hành QĐ 05 - cũng đã có ý kiến rằng, Quyết định này không phải được ban hành để làm căn cứ tính thuế nhập khẩu. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng thấy việc truy thu thuế - vào thời điểm này - sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các DN lắp ráp ô tô. Công cụ thuế có tính nhạy cảm rất cao và rõ ràng là Bộ Tài chính đang hành động hết sức thận trọng.

Bộ Công Thương từng tham gia đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra mức độ rời rạc của bộ linh kiện so với quy định trong QĐ 05 tại Vinamotor và khẳng định, doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí đề ra về mức độ rời rạc. Tuy nhiên, Vinamotor vẫn chưa thoát được truy thu thuế, hàng vẫn bị ách lại, hoạt động bị đình đốn từ cuối năm 2010. Vì sao xảy ra nghịch lý này, thưa Thứ trưởng?

Tình trạng này một lần nữa cho thấy bất kỳ một chính sách nào cũng phải đảm bảo được tính đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan trong việc xây dựng, ban hành, theo dõi, đánh giá tác động trong quá trình thực hiện và phải được kịp thời điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp hoàn cảnh thực tế. Mặt khác, chính sách không phải là bất biến, đối tượng chịu tác động của chính sách – trong trường hợp này là các DN sản xuất-lắp ráp ô tô – vì quyền lợi chính đáng của mình, cũng phải có trách nhiệm phản hồi với cơ quan quản lý nhà nước khi chính sách không còn phù hợp.

Theo tôi, lẽ ra khi công nghệ chế tạo của ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi dẫn đến mức độ rời rạc của bộ linh kiện quy định tại QĐ 05 đã trở nên lỗi thời thì chính các DN lắp ráp ô tô phải kịp thời phản ánh với Bộ Khoa học và Công nghệ để sửa Quyết định này, song dường như DN cũng chưa quan tâm đến việc đó.

Việc sửa đổi Quyết định 05 về mức độ rời rạc của bộ linh kiện như kiến nghị của một số DN là cần thiết. Tuy nhiên, có một vài ý kiến phản hồi từ phía DN rằng, làm thế nào để tránh khe hở cho các DN không đầu tư đầy đủ và hợp lý vào sản xuất tại thị trường Việt Nam trục lợi từ việc sửa đổi đó. Thứ trưởng có thể cho biết quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này?

Về nguyên tắc, chính sách ban hành ra để đạt được một hoặc một số mục tiêu cụ thể. Không có chính sách nào thỏa mãn được mọi đối tượng mà nó tác động tới. Vì thế phải xác định được rõ mục tiêu, từ đó cân nhắc xem lợi ích nào lớn hơn. Đối với Bộ Công Thương, mục tiêu lâu dài là phải xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô, bao gồm cả công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô, mục tiêu trước mắt là phải thúc đẩy sản xuất và kiềm chế nhập siêu. QĐ 05 rõ ràng là không còn phù hợp tình hình thực tế, vì vậy phải sửa và với quan điểm như vừa nêu, Bộ sẽ cố gắng tham gia vào việc sửa QĐ 05 sao cho đạt được tối đa các mục tiêu đã nêu. Sự lo ngại của các DN không muốn sửa QĐ 05 sẽ được lưu ý.

Việc các chính sách của cơ quan Chính phủ áp dụng mức thuế nguyên chiếc 83% lên toàn bộ bộ linh kiện, nếu chỉ 1 linh kiện duy nhất không đạt yêu cầu về độ rời rạc theo QĐ 05 là không hợp lý và có xu hướng đẩy ngành ô tô vào bước đường nhập khẩu nguyên chiếc để tiêu thụ hơn là tiếp tục đầu tư vào sản xuất, tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Liệu tác động của quy định thuế này có đi ngược lại Thông tư 20 nhằm hướng vào giảm nhập siêu?

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét và chưa thực hiện việc thu thuế theo xe nguyên chiếc đối với xe lắp ráp có linh kiện không đáp ứng độ rời rạc theo QĐ 05. Mặt khác, chính Quyết định cũng đang được nghiên cứu sửa đổi, vì vậy tôi tin là những bất cập giữa các chính sách, quy định... có thể xảy ra sẽ được tiên liệu để tránh.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 


Thùy Linh (Thực hiện)