Vừa qua, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2007 và dự kiến kế hoạch năm 2008 của Bộ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã báo cáo đồng chí Phó Thủ tướng tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất và thương mại trong 8 tháng đầu năm 2007. Về kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm, GTSXCN toàn ngành đạt 571,6 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2006 (kế hoạch đề ra là 17- 17,2%). Về kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt 31.218 triệu USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2006. Xuất khẩu 8 tháng so với kế hoạch cả năm đạt 67%. Về nhập khẩu và cán cân thương mại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 37.632 triệu USD tăng 29,9% so với cùng kỳ 2006. Nhập khẩu 8 tháng so với kế hoạch cả năm 2007 đạt 72%. Giá trị nhập siêu 8 tháng là 6.414 tỷ USD bằng 20,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nguyên nhân là do nhập khẩu nguyên liệu, máy móc- thiết bị tiếp tục tăng cả lượng và giá trị. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 8 tháng đạt 458.630 tỷ đồng tăng 22,7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng cũng tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2006.... 

Nhìn chung, 8 tháng đầu năm toàn ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với năm 2006, thị trường diễn ra sôi nổi, không xảy ra hiện tượng thiếu hụt khan hiếm, mất cân đối cung cầu hàng hoá. Tuy nhiên, do những biến động về giá cả xăng dầu tăng cao khiến sản xuất công nghiệp gặp khó khăn, tăng chi phí sản xuất và giảm hiệu quả kinh doanh trong khi sức ép về cạnh tranh và hội nhập đang ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp cũng chưa tận dụng được triệt để cơ hội mang lại từ tư cách là thành viên WTO để mở rộng thị trường xuất khẩu, số lượng các mặt hàng xuất khẩu mới có kim ngạch lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh không nhiều, trong khi một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn do phải chịu những rào cản thương mại trên thị trường xuất khẩu...

Bộ Công Thương dự báo cả năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 48.000 triệu USD tăng 20,5% so với 2006. So với 2006, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vẫn được duy trì ở mức cao, nhiều mặt hàng nông sản gặp thuận lợi về giá và thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao so với cả nước và của khu vực các doanh nghiệp 100% vốn trong nước, là động lực tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và giá trị xuất khẩu lớn là nhóm hàng công nghiệp và chế biến. Dự kiến cả năm 2007 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 57.000 triệu USD tăng 27% so với 2006. Dự kiến cả năm nhập siêu 9.000 triệu USD bằng 18,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá. Kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là do nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất và đầu tư chiều sâu tăng mạnh đã dẫn đến lượng hàng hoá nhập khẩu tăng mạnh. Giá cả của hầu hết hàng hoá nhập khẩu tiếp tục tăng và đứng ở mức cao. Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường và cắt giảm thuế quan theo cam kết WTO trong khi một số hàng hoá trong nước đã sản xuất được nhưng do sức cạnh tranh yếu và chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát nhập khẩu hiệu quả đã có tác động nhất định đến tăng trưởng nhập khẩu.

Các giải pháp điều hành sản xuất  từ nay đến cuối năm 2007 sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những sản phẩm có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế như: dầu thô, khí, điện, than, thép, phân bón... Toàn ngành đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chế biến, chế tạo để đạt được mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Tiếp tục thực hiện các biện pháp để tiết kiệm, nhất là tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả tăng trưởng. Tăng cường tìm đối tác chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh để liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế. Các hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò liên kết, hỗ trợ, tạo tiếng nói chung cho các thành viên trong hoạt động. Tiếp tục điều hành xuất khẩu hiệu quả. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu của những mặt hàng đã giảm thuế theo QĐ ngày 8/8/2007 của Bộ Tài chính để có điều chỉnh cần thiết, vừa tránh giảm thu ngân sách nhà nước đồng thời kiềm chế tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng trong nước. Tiếp tục làm việc với các Hiệp hội, các nhà phân phối, bán lẻ hàng hoá lớn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường trong mọi tình huống, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt cung- cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. Tiến hành kiểm tra, giám sát thị trường chặt chẽ để hạn chế buôn lậu và gian lận thương mại. Rà soát, thanh tra quy trình định giá của các nhà sản xuất, nhập khẩu và phân phối hàng hoá thiết yếu, cương quyết giải quyết các trường hợp găm hàng để tăng giá tuỳ tiện.

Về đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng xác công trình trọng điểm của ngành, nhất là các dự án nhà máy điện, dầu, thép, giấy, phân bón, khai thác khoáng sản... Đẩy nhanh tiến độ đầu tư những dự án sản xuất sản phẩm để xuất khẩu và có tiềm năng xuất khẩu lớn, có giá trị gia tăng cao, sớm hình thành các sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới. Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ- trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất, trước hết ở các khâu sản xuất then chốt quyết định chất lượng của sản phẩm. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao. Tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn tín dụng nhà nước, vốn của các công trình, dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A. Kiên quyết điều chuyển vốn ở các công trình chưa đủ thủ tục đầu tư sang các công trình dự án hoàn thành trong năm nhưng chưa đủ vốn. Đẩy mạnh hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư tổng thể và từng dự án theo quy định; thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư; thường xuyên kiểm tra, giao ban xử lý đối với các công trình trọng điểm của từng đơn vị để bảo đảm tiến độ.

Về công tác quản lý nhà nước, sớm hoàn thiện các công tác liên quan tới chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ và các cơ quan thuộc Bộ. Khẩn trương phê duyệt hoặc trình duyệt các chiến lược, quy hoạch và các văn bản quy phạm pháp luật khác trong chương trình năm 2007. Tiếp tục các hoạt động cải cách hành chính, chú trọng công tác cấp phép cho các tổ chức, cá nhân bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật; tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện cơ chế "một cửa" để thực hiện tốt hơn trong mọi tổ chức, cơ quan. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thực hành tiết kiệm; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhất là trong hoạt động đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước... Kịp thời xem xét, giải quyết các vụ việc, đơn thư phát sinh trong kỳ theo thẩm quyền. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát thị trường trong nước, phấn đấu giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Khẩn trương nghiên cứu xây dựng các quy định pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế quản lý nhập khẩu mới phù hợp với quy định của WTO như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong 8 tháng đầu năm 2007 với một số chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong những tháng cuối năm toàn ngành cần nỗ lực hơn nữa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo được nguồn cung không để xảy ra thiếu hàng hoá, nhất là đối với 10 mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát các dự án lớn như: Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất...nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tiếp tục điều hành hiệu quả đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: thuỷ sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nhựa...  

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế để vừa tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vừa để bảo hộ hợp lý với sản xuất hàng hóa trong nước. Riêng đối với những chỉ tiêu, kế hoạch ngành Công Thương đề ra năm 2008, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải có định hướng, giải pháp rõ ràng hơn với từng nhóm hàng; nghiên cứu sâu hơn về những thị trường và những mặt hàng xuất khẩu chúng ta có tiềm năng để từ đó hướng dẫn cho các doanh nghiệp. Công tác xúc tiến thương mại cần có trọng điểm  để được xét duyệt vốn ưu tiên hỗ trợ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần nhanh chóng sắp xếp, xây dựng chương trình để giảm nhanh việc phân lớp giữa hai ngành Công nghiệp và Thương mại nhằm phát huy được hiệu quả tổng lực.

Mai Thuỷ