Khẳng định gói kích cầu thứ nhất đã đạt được những kết quả nhất định, song Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nền kinh tế chưa đủ sức bứt phá hoàn toàn khỏi khó khăn nếu thiếu biện pháp hỗ trợ.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo giới ngay sau phần thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội 2009 và kế hoạch 2010. Dự kiến, các biện pháp kích thích kinh tế trong năm 2010 (gói kích cầu thứ hai) sẽ được chốt lại trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 diễn ra ngày mai, trước khi Quốc hội chính thức thông qua ngay kỳ họp này.
Đại biểu Quốc hội đang đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về kết quả triển khai gói kích thích kinh tế thứ nhất. Đánh giá của riêng Phó thủ tướng về gói này thế nào?

- Để kích thích kinh tế, số tiền thực tế mình bỏ ra không nhiều và không thấm vào đâu so với các nước trên thế giới, nhưng hiệu quả đạt được khá tích cực. Điều chúng ta quan tâm nhất khi triển khai gói kích cầu đó là tập trung hỗ trợ vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh, duy trì lao động và an sinh xã hội. Mục tiêu đó đã đạt được. Đầu năm 2009, chúng ta phải đối mặt với vấn đề nan giải là nhiều lao động mất việc làm, nhưng sau gói hỗ trợ, từ cuối quý I kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, tình hình lao động việc làm cải thiện và duy trì ổn định.

Vậy Chính phủ hài lòng nhất về kết quả nào của gói kích cầu?

- Khi kinh tế bắt đầu suy giảm, vấn đề lớn nhất được đặt ra là giải quyết công ăn việc làm. Vấn đề này vào cuối 2008 đầu 2009 rất gay gắt. Chính phủ đặt ra mục tiêu là làm sao để các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí và có thể duy trì công ăn việc làm. Chính phủ cũng tác động bằng các gói kích cầu ở nông thôn, nhằm tạo ra việc làm ở nơi đây. Khi những lao động bị sa thải ở khu vực thành thị, trở về nông thôn sẽ có việc làm. Từ cuối quý I, thời điểm được cho là điểm đáy của khó khăn, chúng ta bắt đầu duy trì được việc làm. Dĩ nhiên, duy trì được việc làm có liên quan tới tăng trưởng kinh tế và ngược lại. Nếu chúng ta không duy trì được tăng trưởng ở mức 5% thì khó có thể tạo công ăn việc làm.

Vậy ông cho rằng nên hay không nên có gói kích cầu thứ hai?

- Các nhà kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng đã bàn luận nhiều. Chính phủ sẽ tiếp tục bàn bạc trong phiên họp tới để đưa ra quyết định. Nếu gói thứ hai có được là tốt. Hiện nay mặt bằng lãi suất của chúng ta còn hơi cao. Nếu duy trì các biện pháp kích thích kinh tế trong quá trình giảm lãi suất, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu của chúng ta chưa phục hồi hoàn toàn. Chúng ta đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn, bứt phá để phát triển ổn định chứ không quay lại vòng thứ hai như theo nhiều nhà kinh tế thế giới còn lo lắng suy thoái sẽ đi theo hình W.

Nếu nền kinh tế không được tiếp tục hỗ trợ, Chính phủ lo ngại điều gì?

- Nếu gói kích cầu bỏ đi ngay thì doanh nghiệp khó khăn, vì hiện mặt bằng lãi suất còn cao. Doanh nghiệp khó khăn, sẽ khó duy trì việc làm. Kinh tế của ta đang phục hồi, song chưa quay lại mức cũ. Hầu hết các ngành, kể cả du lịch, dịch vụ cũng chưa phục hồi hoàn toàn.

Trong điều hành vĩ mô năm tới, Chính phủ chú trọng vào vấn đề gì?

- Lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là vấn đề quan tâm nhất. Nếu điều hành không tốt, khó khăn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta biết là trong nền kinh tế đang thực hiện kích cầu và tăng cường đầu tư, chưa nói là đầu tư nước ngoài quay trở lại, thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc. Vì thế lượng tiền bơm ra rất lớn, điều hành kinh tế vĩ mô phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta không cân đối được giữa tiền và hàng, dòng vốn đầu tư đưa vào mà không ra được thì dễ dẫn tới lạm phát.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: "Cần đánh giá một cách tổng thể về gói kích cầu thứ nhất. Cả gói quy mô 8 tỷ USD. Trong đó phần dành cho đầu tư là hơn 90.000 tỷ đồng, vẫn đang phát huy, nhờ thế mà công nghiệp xây dựng đã tăng trưởng, kéo theo đà tăng trưởng chung của cả công nghiệp. Gói hỗ trợ về xã hội, gần 10.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ được nhiều cho bà con nông dân, giảm tỷ lệ đói nghèo. Gói kích cầu hỗ trợ chính sách thuế 28.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Còn với gói kích cầu 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, chúng ta hỗ trợ bà con nông dân khắc phục khó khăn, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Riêng phần hỗ trợ 4% lãi suất chủ yếu hỗ trợ vốn lưu động cho doanh nghiệp. Cái này không căn bản và không lâu dài, mà phải căn cứ vào tình hình tài chính tiền tệ hiện nay để có biện pháp cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển: "Nền kinh tế đang phục hồi song chưa trở lại bình thường, nên nếu không hỗ trợ sẽ khó khăn. Quan điểm của Ủy ban là lúc này bàn tay của Nhà nước cần tiếp tục thể hiện rõ nét sau thành công của 2009. Nhưng các biện pháp hỗ trợ cần thay đổi về chất, mục tiêu cũng như định hướng của nó, từ chỗ bình quân, dàn đều, giờ phải có sự ưu tiên. Không thể tiếp tục miễn giảm thuế nữa, nên chuyển sang giãn thuế. Nguồn trái phiếu chính phủ nên đầu tư vào lĩnh vực công cộng, cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông thủy lợi, giáo dục và y tế, vừa phục vụ cả trước mắt và lâu dài.

 

Theo VnExpress