Tuy nhiên, nếu không có định hướng về đầu tư, thì có thể sau 5-10 năm nữa, các doanh nghiệp lại phải tiếp tục di dời. Trên cơ sở khảo sát thực tế tại các tỉnh trong cả nước, Tập đoàn Dệt may VN đã đưa ra quy hoạch định hướng đầu tư dệt may giai đoạn 2011-2020. :
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành công nghiệp dệt may hiện có 3.710 doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng ngành dệt may có thể thấy sự phân bố không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố, giữa các vùng miền. Tại hai trung tâm lớn của đất nước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mật độ các doanh nghiệp dệt may tập trung quá cao. Điền này dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp dệt may với các ngành công nghiệp khác; giữa các doanh nghiệp dệt may với nhau về đơn hàng, lao động, tiền lương…Chi phí sản xuất tăng cao do tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tại các thành phố này đều dẫn đầu cả nước. Quỹ đất ngày càng hạn hẹp.
Vì vậy, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chủ động dịch chuyển đầu tư về một số vùng nông thôn được coi như một quy luật tất yếu. Ông Thân Đức Việt-giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 chia sẻ: Việc mở rộng sản xuất ở các tỉnh xa là một trong những chính sách giảm thiểu mất ổn định lao động ở các thành phố lớn. Tổng công ty chúng tôi đã nhìn nhận ra từ 3-4 năm trước, mặc dù May 10 cũng là một trong những doanh nghiệp có nhà máy ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định khá sớm từ năm 1995. Nhưng mà những năm gần đây, xu thế dịch chuyển lao động ngành may rõ rệt hơn thì chúng tôi đã dịch chuyển nhà máy may về một số địa phương để tận dụng nguồn lao động sẵn có…
Tương tự, rất nhiều doanh nghiệp dệt may khác như May Hồ Gươm, May Hưng Yên, May Nhà Bè…đều đã và đang đầu tư cơ sở sản xuất về các địa phương. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nếu không có định hướng về đầu tư, thì chỉ sau một thời gian ngắn(5-10 năm), có thể các doanh nghiệp này lại phải tiếp tục di dời. Bởi vì nếu nhiều doanh nghiệp cùng di dời hoặc đầu tư mới một cách tự phát ở cùng một vài địa phương nào đó, sẽ lại dẫn đến tình trạng số lao động ở đó không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vì vậy, sau khi khảo sát tại các tỉnh trong cả nước, căn cứ vào quan điểm phát triển ngành là đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững và hiệu quả, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã lựa chọn một số tỉnh có khả năng đầu tư các nhà máy sản xuất dệt may, các cụm công nghiệp dệt may trong giai đoạn 2011-2020. Theo đó, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc bao gồm Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Các tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị. Các tỉnh duyên hải miền Trung là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên. Các tỉnh ĐBSCL là Tiền Giang, Đồng Tháp. Các tỉnh Đông Nam bộ là Tây Ninh. Theo ông Lê Tiến Trường, phó Tổng giám đốc thường trực -Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn sẽ đóng vai trò nòng cốt để điều phối sự đầu tư phát triển các nhà máy mới theo định hướng quy hoạch này:
Hiệp hội Dệt may và Tập đoàn Dệt may đã có thương lượng với các địa phương trong quy hoạch, có các cam kết, thỏa thuận với các địa phương rồi. Chủ yếu Tập đoàn sẽ là hạt nhân để điều phối, kêu gọi các nhà đầu tư để hình thành các doanh nghiệp ở các khu vực đấy. Mặc dù trong nhiều trường hợp, có thể Tập đoàn không tham gia đầu tư hoặc chỉ tham gia mồi với tỷ lệ vốn không cao và khi doanh nghiệp hoạt động ổn định, Tập đoàn có thể thoái vốn để làm việc khác. Nhưng Tập đoàn sẽ là hạt nhân để điều tiết chuyện này
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Đặng Phương Dung-phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, đây là sự đón đầu cho xu hướng kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI tham gia vào các lĩnh vực dệt, nhuộm giúp cho ngành dệt may chủ động hơn về nguyên liệu sản xuất: Trên tinh thần chúng tôi nghiên cứu về thực trạng ngành dệt may, điều kiện môi trường, nhân lực, giao thông vận tải…Dựa trên tất cả cơ sở đó, Tập đoàn Dệt may mới ra được quy hoạch, làm việc với các địa phương để dành những khu đất “sạch” để giúp cho doanh nghiệp kể cả trong nước và FDI khi đầu tư vào các địa phương đó thì các điều kiện đã sẵn sàng. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm hoàn tất….
Song song với việc đưa ra định hướng về quy hoạch vùng, miền đầu tư cơ sở sản xuất hàng dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đưa ra định hướng chiến lược về sản phẩm. Trong 10 năm tới, các mặt hàng chủ lực của ngành dệt may vẫn là các sản phẩm truyền thống như nguyên liệu bông, xơ sợi tổng hợp, sợi các loại, vải dệt thoi, vải dệt kim và các sản phẩm may mặc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, tập trung phát triển ngành may xuất khẩu để tận dụng thị trường. Ưu tiên thứ hai là phát triển cây nguyên liệu, trọng tâm là cây bông, xơ sợi tổng hợp và phụ liệu, đồng thời đầu tư các nhà máy kéo sợi. Tiếp đến là sản xuất vải và phụ liệu phục vụ may xuất khẩu.
PV. Anh Tú