Tỉnh Quảng Bình đang tập trung phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp thành cụm tập trung gắn với việc đào tạo tay nghề cho người lao động ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Chỉ tính riêng năm 2008 và ba tháng đầu năm nay, tỉnh đã đào tạo được gần 19.000 lao động và hầu hết số lao động nói trên đã có việc làm ổn định.
Việc đào tạo tay nghề cho người lao động được gắn trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, từng ngành, từng doanh nghiệp; ưu tiên đào tạo những ngành nghề sản xuất bằng nguyên, vật liệu tại chỗ, sản xuất sản phẩm nội địa, dễ tiêu thụ, phù hợp với trình độ sản xuất của địa phương...
Trên địa bàn của tỉnh Quảng Bình hiện có 3 cơ sở đào tạo nghề bao gồm: Trường Trung học kỹ thuật công, nông nghiệp, Trường trung cấp nghề số 9 và Trường trung cấp dạy nghề thuộc Sở lao động Thương binh Xã hội . Mỗi năm các cơ sở dạy nghề này đã đào tạo được 6000 lao động với các ngành nghề phục vụ sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Ngoài ra, trong ba năm qua, Trung tâm khuyến công của tỉnh còn liên kết với một số doanh nghiệp và làng nghề ở các địa phương đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng tổ chức 92 lớp đào tạo nghề cho hơn 3000 lao động trong tỉnh. Sở Công Thương của tỉnh phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Ban quản lý dự án phân cấp giảm nghèo, Trường trung cấp dạy nghề của tỉnh tổ chức trên 50 lớp đào tạo nghề mộc mỹ nghệ, cơ khí, gò hàn, chổi đót, mây tre đan, chế biến hải sản...cho các doanh nghiệp nhỏ và tổ sản xuất hợp tác. Các huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng 23 dự án tiểu thủ công nghiệp bao gồm chế biến thuỷ sản, sản xuất nước tinh khiết, chế biến nước mắm, sản xuất kinh doanh rượu, sản xuất gạch Blok...thu hút hơn 1000 lao động khu vực nông thôn. Theo báo cáo của tỉnh, hiện nay khu vực nông thôn ở Quảng Bình có trên 25.000 cơ sở sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 50.000 lao động vào làm việc.
Quảng Bình hiện có trên 85 vạn người, trong đó gần 55% số người nằm trong độ tuổi lao động, chủ yếu tập trung ở nông thôn. Hàng năm, Quảng Bình có khoảng 3 vạn học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông và chuyên nghiệp. Trong đó có gần 1 vạn thanh niên đến tuổi trưởng thành bổ sung vào lực lượng lao động của địa phương. Theo đó, hàng năm toàn tỉnh có gần 2,5% tỷ lệ lao động thất nghiệp. Tính ra, đến nay, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn Quảng Bình mới đạt 65%. Vì vậy, nhu cầu tìm việc làm cho lao động ở địa phương rất lớn./.
 
Ngọc Châu