Tín hiệu hồi phục đang đến với một số ngành sản xuất công nghiệp chủ đạo của Việt Nam như dệt may, da giày khi các đơn hàng những tháng cuối năm ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch năm 2009 với mục tiêu 9,5 tỷ USD với dệt may và 5,1 tỉ USD với da giày thì các doanh nghiệp (DN) đang phải nỗ lực rất nhiều nhất là khi kết quả 9 tháng đầu năm chưa đạt được như kỳ vọng.


Dấu hiệu tăng trưởng khả quan
Thông tin từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 của ngành dệt may ước đạt 840 triệu USD, cộng chung 9 tháng ước đạt 6,79 tỷ USD, bằng 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ tháng 7, số lượng đơn hàng đã tăng khoảng 15% so với đầu năm. Đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 10/2009, một số doanh nghiệp lớn đã có hợp đồng đến hết năm. Sản lượng vải dệt từ sợi bông 9 tháng năm 2009 ước đạt 158,2 triệu m2, bằng 83,7% so với cùng kỳ, vải dệt từ sợi tổng hợp và nhân tạo đạt 583,1 triệu m2, tăng 2,0% so với cùng kỳ. Giá bán các sản phẩm dệt may cũng có xu hướng tăng lên so với những tháng đầu năm, tuy nhiên vẫn giảm so với năm 2008.
Theo hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) đã có hiệu lực, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu vải có xuất xứ từ Nhật Bản sẽ được hưởng thuế suất 0% thay vì 5- 10% như trước, đây là điều kiện thuận lợi để ngành dệt may gia tăng kim ngạch vào thị trường này. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết: Các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu bị sụt giảm kim ngạch XK nhưng thị trường Nhật bản lại tăng 14%. Một số thị trường mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore cũng tăng từ 15-20%. Các DN trong ngành dệt may duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, châu Âu; mở rộng các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng đã tổ chức đoàn xúc tiến thương mại sang thị trường Chi Lê, Argentina để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Cùng với việc tiếp tục tìm mọi giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều DN trong ngành đã chuyển sang khai thác thị trường nội địa và đạt được những kết quả khá tốt, trung bình doanh thu tại thị trường nội địa của các DN đã tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với da giày, kim ngạch XK 9 tháng đầu năm ước đạt 2,95 tỷ USD, chỉ bằng 86,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng đơn hàng sản xuất túi cặp xuất khẩu 9 tháng mới đạt 544 triệu USD giảm so với cùng kỳ năm 2008 khoảng 8,7%. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn của ngành và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có đơn hàng sản xuất đến hết quý IV với sản lượng tương đương như năm 2007.
Riêng mặt hàng dép các loại, giầy vải, các doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất ổn định trong cả năm, không phải dừng sản xuất trong giai đoạn giãn vụ như các năm trước. Tuy nhiên, ngành vẫn gặp nhiều khó khăn khi không được hưởng GSP của EU và đang chịu sức ép về rà soát cuối kỳ vụ kiện…
Tại thị trường nội địa, sức mua sản phẩm giầy dép, túi cặp của người tiêu dùng vẫn ổn định. Vì vậy, các các công ty sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa hàng đầu như công ty Biti’s, công ty Giầy Thuợng Đình, Công ty cổ phần Giày Việt Nam… và các làng nghề sản xuất giầy Phú Yên, làng nghề giầy Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển sản xuất.

Tìm hướng mở cửa thị trường
Ông Lê Quốc Ân -Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) khẳng định: Trong quý 4/2009, mỗi tháng kim ngạch XK toàn ngành phải đạt khoảng trên 830 triệu USD, riêng tập đoàn dệt may sẽ đạt khoảng 176 triệu USD/tháng Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi toàn ngành và cácDN phải nỗ lực hơn nữa mới có hy vọng nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên con số 9,2 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch đề ra là 9,5 tỷ USD, tương đương năm 2008. Hiện giá nguyên liệu cho dệt may đang có xu hướng tăng nên nhiều doanh nghiệp dự đoán những tháng cuối năm ngành sẽ có nhiều triển vọng. Hơn thế nữa là những tháng cuối năm nhu cầu may mặc của hầu hết các nước sẽ tăng vì có nhiều ngày lễ, tết nên việc tăng lượng hàng xuất khẩu là hoàn toàn có thể.
Ông Ân cho biết thêm: Hiệp định FTA với Nhật Bản đã đem lại nhiều thuận lợi cho các DN, vì thế việc mở cửa thị trường là điều cần sớm triển khai để hỗ trợ các DN XK. Đơn cử như với thị trường Nga, 20 năm trước đây là thị trường XK lớn nhất của ngành dệt may nhưng giờ kim ngạch XK vào thị trường này hầu như không đáng kể. Bởi thế, nếu có FTA, Việt Nam có thể XK hàng dệt may vào Nga khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ram, nếu Việt Nam gia nhập được hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương thì sẽ đưa được hàng dệt may vào thị trường Bắc Mỹ.
Hiệp hội Da Giầy dự đoán, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm da - giầy của nước ta năm nay vào khoảng 4,59 tỷ USD, giảm 10% so với năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 5,1 tỷ USD đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy, dự kiến quý 4/2009 doanh thu từ XK da giày đạt khoảng 1,2 tỷ USD và kim ngạch của cả năm chỉ đạt khoảng 4,4 tỷ USD. Các DN trong lĩnh vực này đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, khai phá thị trường mới và cũng lên kế hoạch đầu tư mạnh cho thị trường nội địa, đưa ra nhiều dòng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm cao cấp để nâng cao giá trị thương hiệu và doanh thu. Ông Thuấn chia sẻ: nếu có những ưu đãi phổ cập GP vào Mỹ như Indonexia hay Ấn Độ thì mặt hàng da giày của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
 

Thùy Linh, Báo CT