Lợi ích kép
Đầu tư lớnBắt đầu triển khai từ quý III/2012 và hoàn thành vào tháng 9/2013, mô hình trình diễn kỹ thuật “Sản xuất gạch không nung 2 lỗ - xi măng cốt liệu thủy lực song động” do công ty Cổ phần vật liệu không nung 567 (TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) làm đối tượng thụ hưởng có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 14 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, Cục công nghiệp địa phương đã hỗ trợ DN 227,8 triệu đồng mua sắm máy móc thiết bị.
Theo ông Nguyễn Xuân Tuyển, Giám đốc công ty Cổ phần vật liệu không nung 567, gạch không nung xi măng cốt liệu là một phát minh xanh trong lĩnh vực xây dựng nhằm thay thế công nghệ sản xuất gạch nung truyền thống lạc hậu để bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu thị trường chúng tôi quyết định lựa chọn công nghệ sản xuất gạch không nung với công nghệ ép “ Gạch 2 lỗ - ximăng cốt liệu thủy lực song động”, bao gồm những máy móc được sản xuất trong nước nhưng chất lượng không kém sản phẩm ngoại nhập, như: Máy trộn, máy ép thủy lực song động, băng chuyền tự động ....Ưu điểm của công nghệ này là: Tốc độ cao, an toàn, dễ bảo trì; Thao tác điều khiển đơn giản, hiệu quả và không bị rò rỉ, không rung.
Ông Tuyển cũng cho biết, gạch không nung ximăng cốt liệu sở hữu nhiều ưu điểm như: Cường độ chịu nén cao, bảo ôn, cách nhiệt tốt, kích thước viên gạch phù hợp giúp giảm thao tác thi công, tăng tốc độ xây dựng, gần gũi với người sử dụng vì dùng vữa xây trát thông thường, đặc biệt là thân thiện với môi trường.Sản phẩm gạch không nung cũng có nhiều chủng loại trên một loại gạch nên có thể sử dụng rộng rãi từ những công trình phụ trợ nhỏ đến các công trình kiến trúc cao tầng. Mặt khác, công nghệ làm gạch không nung rất đơn giản, chủ yếu sử dụng phế thải của một số ngành sản xuất nên chi phí cho 1 viên gạch giảm tối thiểu so với 1 viên gạch nung…vì vậy, gạch không nung hiện đang được ưa chuộng trên thị trường.
Hai lợi ích
Theo hạch toán của DN, sau khi vận hành ổn định và đạt 100% công suất (10 triệu viên/năm), mô hình sẽ giúp DN đạt doanh thu 12,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt trên 2,25 tỷ đồng/năm và thời gian thu hồi vốn là khoảng 5,4 năm. Mô hình cũng sẽ tạo thêm 40 việc làm mới cho lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Qua phân tích hiệu quả đầu tư có thể thấy lợi ích kinh tế mà mô hình sẽ đem lại cho DN đã được thể hiện một cách rõ ràng. Hơn nữa, mô hình còn giúp tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương theo hướng tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, yếu tố quyết định giúp công nghệ sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công 1 chính là sự thân thiện với môi trường. Do nguyên liệu đầu vào của dây chuyền sản xuất gạch không nung là những nguyên vật liệu bị thải loại của nhiều ngành sản xuất công nghiệp như: xỉ than, xỉ quặng, đất thải sau sàng lọc, cát sông, bột đá, đá vụn. Qua quá trình chế biến đơn giản không tiêu tốn nguyên, nhiên vật liệu như trộn, ép… sản phẩm tạo ra đảm bảo được cả về chất lượng, thẩm mỹ và thân thiện với môi trường.
Hiện nay, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỉ viên gạch. Với đà phát triển này, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 40 tỉ viên mỗi năm. Để đạt được số lượng gạch trên, nếu dùng gạch đất nung sẽ mất rất nhiều đất canh tác và phải sử dụng một lượng than hóa thạch, lượng củi đốt khổng lồ dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hậu quả để lại còn lâu dài… Do đó, phát triển công nghệ sản xuất gạch không nung là việc tất yếu, sang những năm tiếp theo Trung tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ cho các DN trong ngành ứng dụng công nghệ này, ông Thắng cho biết thêm.
Phạm Kim