Thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận trong năm 2011 với hỗ trợ từ nguồn kinh phí của chương trình hợp tác Việt Nam - Đan Mạch, đã tổ chức khóa tập huấn cho 40 doanh nghiệp phổ biến kiến thức sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và hoàn thành đánh giá nhanh về sản xuất sạch hơn cho 5 doanh nghiệp trong Tỉnh (tổng kinh phí thực hiện gần 156 triệu đồng). Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát được đầu vào như nguyên liệu, điện, nước, lao động, công nghệ... từ đó tư vấn cho doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn như đổi mới thiết bị, công nghệ, quản lý việc sử dụng lao động, tài nguyên, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn hoặc đầu tư các giải pháp bảo vệ môi trường... giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Qua các hoạt động này, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được hiệu quả chương trình như: Công ty TNHH Hải Nam, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Thuận (Thaimex), Công ty TNHH Thủy sản Hai Wang, Công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết, Công ty TNHH TM DV Dung Đại Hưởng (Hàm Thuận Bắc)…
Tuy nhiên, theo anh Phạm Văn Khoa - Phó phòng Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, áp dụng sản xuất sạch hơn vẫn đang là một khái niệm khá mới mẻ đối với địa phương nên nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng, doanh nghiệp còn hạn chế, một số doanh nghiệp chưa hiểu hết ý nghĩa của từ “kiểm toán” hay “sạch hơn”... nên đã tỏ ra e dè, chưa mạnh dạn tham gia chương trình. Hiện nay, Bình Thuận có khoảng trên 6.000 cơ sở hoạt động sản xuất công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp nhưng tốc độ tăng trưởng của kinh tế công nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư công nghệ không đồng bộ, gây thất thoát lớn về tài nguyên, năng lượng cũng như các nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Do đó tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về sản xuất sạch hơn, Trung tâm Khuyến công Bình Thuận tiến hành rà soát các doanh nghiệp trọng điểm, có năng lực để tư vấn trực tiếp, giải thích cặn kẽ để các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia chương trình, từ đó có cơ sở xây dựng mô hình và nhân rộng trên toàn Tỉnh. Nhằm đạt mục tiêu đặt ra là đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 25% cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng chương trình sẽ tiết kiệm được từ 5 - 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm của Tỉnh đề ra.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực sản xuất sạch hơn còn thiếu về số lượng biên chế và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ nên khả năng triển khai chương trình còn hạn chế. Mặt khác, kinh phí phân bổ còn chậm và hạn chế nên quá trình triển khai, thực hiện kết quả chưa đạt như mong muốn. Vì vậy, để làm tốt những nhiệm vụ được giao và sớm đưa Chiến lược sản xuất sạch hơn đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nổ lực của Trung tâm Khuyến công rất cần sự hợp tác và hợp tác của những đơn vị liên quan và cả cộng đồng.
K. Hằng