Trong những năm qua, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội cấp vùng, hình thành các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước đã xuất hiện thường xuyên tại những hội nghị liên vùng trong nước và quốc tế và được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực.

Đây là động lực để thực hiện liên kết vùng trong thu hút đầu tư, tạo sự đồng thuận trong xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới, hợp tác xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng mang tính chất liên vùng, phát huy lợi thế của từng tỉnh, tránh việc đầu tư trùng lắp, các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính gắn kết trong đầu vào và đầu ra sản phẩm.


Để thực hiện chủ trương trên, từ Trung ương đến các địa phương đang hoàn thiện quy hoạch vùng làm cơ sở quản lý phát triển vùng; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; nghiên cứu cơ chế quản lý, liên kết hợp tác phát triển phù hợp; lựa chọn một số khu vực có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế. Vấn đề liên kết vùng luôn được chú trọng, lồng ghép vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn.


Hiện nay, cả nước đã thành lập nhiều vùng kinh tế, phía Bắc, phía Nam, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung cùng các vành đai liên kết như phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phía Nam là TP.HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu - Côn Đảo; miền Trung là Đà Nẵng và một số thành phố cảng khác, với mục tiêu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước; phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật, đầu mối phát triển kinh tế đối ngoại; liên kết, thúc đẩy và lôi kéo các vùng khác phát triển... Chính phủ đã thành lập Hội đồng cấp vùng và xây dựng Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cho các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2014 - 2020, đây là điều kiện để các tỉnh đẩy mạnh liên kết để góp phần phát triển kinh tế - xã hội cả vùng.


Kết quả tác động của chính sách liên kết vùng trong thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế cho thấy: Trong 10 tháng đầu năm 2016, cả nước có 91.765 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 710,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và tăng 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng là 1.061,3 nghìn người, bằng 91,7% cùng kỳ năm 2015.


Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm tháng 10/2016 thu hút được 2.061 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt trên 12 tỷ USD, tăng 24,4% về số dự án và giảm 1,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 967 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,3 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 10 tháng năm nay đạt 17,6 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015.


Trong 10 tháng năm nay, cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với 2,44 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hà Nội 1,1 tỷ USD, chiếm 9,1%; Bình Dương gần 1,1 tỷ USD, chiếm 9%; Đồng Nai 995,5 triệu USD, chiếm 8,1%; thành phố Hồ Chí Minh 792,5 triệu USD, chiếm 6,5%; Bắc Giang 622 triệu USD, chiếm 5,1%; Hà Nam 604 triệu USD, chiếm 4,9%.


Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam 10 tháng năm 2016, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; Singapore 1,3 tỷ USD, chiếm 10,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 959,7 triệu USD, chiếm 7,8%; Trung Quốc 898,9 triệu USD, chiếm 7,3%; Đài Loan 824,1 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 727,6 triệu USD, chiếm 5,9%.


Với mục tiêu tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong công tác liên kết, thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế, một trong các giải pháp được quan tâm là tăng cường và chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết và phối hợp phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của nhau để cùng phát triển, cùng có lợi. Phát huy vai trò thành viên tham gia Hội đồng vùng, tích cực hợp tác với các tỉnh trong khu vực trong việc xây dựng các chương trình hành động mang tính chất liên vùng, thực hiện tốt cơ chế phản biện khi xây dựng các dự án, đề án tác động đến các tỉnh trong vùng và ngược lại. Thành lập bộ máy giúp việc Hội đồng vùng theo quy định của Chính phủ, xây dựng quy chế phối hợp của các ngành có liên quan với tư cách là thành viên Hội đồng vùng. Tiếp tục kiến nghị Trung ương ban hành chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Xây dựng kế hoạch hợp tác từng dự án, đề án cụ thể với mục tiêu, nội dung, các bước thực hiện rõ ràng, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm với nhau để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án có tính chất liên tỉnh, liên vùng.


Mai Hương