Với những dự án tỷ suất thu hồi vốn trên 35%, doanh nghiệp sẽ tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong dự án đó. Vốn bao giờ cũng là mối quan tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát hiện nay. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp thực sự cần vay vốn sản xuất kinh doanh cũng không dám vay với lãi suất rất cao như hiện nay, do nếu có vay được vốn thì sản xuất kinh doanh cũng khó mang lại hiệu quả.

 
Đặc thù của ngành dệt may là ngành kinh doanh toàn cầu, nên khi giá nguyên vật liệu tăng mạnh lên thì xu thế chung là trên thế giới sẽ hình thành một mặt bằng giá mới. Chẳng hạn, giá nguyên liệu như giá bông, giá vải tăng thì các đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cùng nhau đàm phán để ra được mặt bằng giá mới trên thị trường. Tất nhiên là việc này cũng không đơn giản, cần phải có nhiều sự thương lượng, nhiều sự điều chỉnh. Nhưng nhìn chung sẽ tìm được tiếng nói chung và sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới phù hợp với điều kiện của giá cả nguyên vật liệu thế giới. Do vậy, chỉ có những khó khăn riêng của thị trường Việt Nam là ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như lãi suất ngân hàng của Việt Nam cao hơn hẳn so với các nước khác thì yếu tố này không thể đưa được vào giá thành của ngành dệt may để đem đi cạnh tranh được.

Theo ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện nay, lãi suất ngân hàng đang quá cao, cho vay vốn lưu động với lãi suất 18 – 20%/năm, thậm chí có những doanh nghiệp phải vay với lãi suất tới 25% – 27%/năm. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may, do doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thế giới, không thể áp những khó khăn đặc thù của riêng Việt Nam để đi thương lượng với các đối tác, không thể bắt đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu cùng chia sẻ được.

Không chỉ riêng doanh nghiệp dệt may mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều đang rất khó khăn về vốn. Ông Trường cho rằng, đây là khó khăn tất yếu của năm 2011 khi mà doanh nghiệp đang phải cùng chung tay với Chính phủ để tham gia ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát. Do vậy, doanh nghiệp phải lường trước, phải cùng có những giải pháp tiết kiệm, phải cùng có những giải pháp để giảm lưu lượng cần sử dụng vốn, đặc biệt là vốn lưu động thể hiện qua công nợ, qua tồn kho của doanh nghiệp để duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh và cùng cả nước vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Từ đầu năm 2011, thực hiện theo Nghị quyết 11/NQ-CP là cắt giảm đầu tư, ngành dệt may đã quyết định cắt giảm 35% tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu của năm 2011, giảm tổng mức đầu tư xuống còn 6.750 tỷ đồng, đặc biệt là các dự án có thời gian đầu tư dài, suất đầu tư lớn trong khi tỷ suất thu hồi lại chậm, thực tế đó chính là những dự án về nguyên liệu. Do vậy, ngành dệt may sẽ đẩy lùi tiến độ thực hiện các dự án về nguyên liệu chậm lại sang tới cuối năm 2011. Đến thời điểm đó, ngành dệt may sẽ tiến hành dự án bằng nguồn vốn của chủ sở hữu trước, với hy vọng đến năm 2012, kinh tế vĩ mô tốt hơn, thị trường tài chính tốt hơn, thị trường vốn tốt hơn thì ngành dệt may sẽ thu xếp vốn cho các dự án đầu tư làm về nguyên liệu.

Riêng đối với các dự án may, đặc biệt là với các dự án may đã có đầu ra, đã có khách hàng bao tiêu sản phẩm thì ngành dệt may vẫn phải dồn lực bằng nguồn vốn tự có để thực hiện ngay. Trước đây, nguồn vốn tự có có thể được sử dụng dàn trải cho nhiều dự án khác nhau thì nay tập trung vào những dự án có tỷ suất thu hồi vốn tốt. Ví dụ có những dự án tỷ suất thu hồi vốn trên 35% thì doanh nghiệp sẽ tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong dự án đó. Nếu trước đây, cơ cấu tài chính cho một dự án gồm 30% vốn chủ sở hữu, 70% vốn vay thì trong điều kiện này, nếu dự án tốt thì có thể tăng lên tới 60 – 70% vốn chủ sở hữu/dự án, hạn chế vay vốn ngân hàng. Đó là cách để các doanh nghiệp ngành dệt may cùng cả nước thu xếp giảm tổng cung tiền tệ của cả nước, bởi nếu không giảm được tổng cung tiền tệ của cả nước thì sẽ không giảm được lạm phát- ông Trường nhấn mạnh.
 

 

Nguồn: Công thương điện tử