Trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn, thì việc thực hiện liên kết, hợp tác giữa các Doanh nghiệp (DN) làng nghề càng trở nên cần thiết. Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại hội thảo: “Hợp tác xã với công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề” tổ chức mới đây ở Hà Nội.

Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khoa học công nghệ và môi trường – Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, hiện cả nước có 18.296 HTX, 50 liên hiệp HTX, 360.000 tổ hợp tác và 1.451 làng nghề. Các HTX và làng nghề nằm rải rác ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, với 5 nhóm ngành cơ bản bao gồm: ngành nghề nông, lâm nghiệp; ngành nghề thuỷ sản; ngành nghề xây dựng; ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, số DN lớn của Việt Nam chỉ chiếm dưới 10%, còn lại trên 90% các DN vừa và nhỏ. Các DN vừa và nhỏ này lại tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành, nông thôn. Vì vậy, mối quan hệ, sự liên kết của các HTX và DN làng nghề là rất cần thiết.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, muốn nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỗi DN làng nghề cần tăng cường quan hệ hợp tác trong tất cả các khâu từ đầu vào cho đến đầu ra. Chẳng hạn, trong việc trồng nguyên liệu, cung ứng nguyên liệu, phụ liệu cho hàng tiểu thủ công nghiệp, song song với việc trồng cây nguyên liệu thì việc tổ chức cung ứng nguyên liệu và gia công sơ chế nguyên liệu cũng rất cần một cơ sở chuyên doanh, cơ sở này sẽ có tác dụng giảm chi phí rõ rệt so với các DN đi mua riêng rẽ hoặc tự tổ chức sơ chế.

Việc phân công chuyên môn hóa và hợp tác giữa các công đoạn hình thành một sản phẩm cũng rất cần thiết, không những nâng cao được năng suất lao động, giảm chi phí, lại có tác dụng mở rộng thêm công việc cho nhiều lao động, qua đó nâng cao trình độ tay nghề cho người thợ. Điều quan trọng là ở mỗi khâu, mỗi công đoạn phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đúng kỹ thuật, mỹ thuật và thời hạn hợp đồng đã ký kết.

Hợp tác trong việc tìm thị trường cho sản phẩm cũng rất quan trọng và được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo. Ông Nguyễn Văn Thạch – Chủ nhiệm HTX Bình Minh (Bắc Giang) cho biết, HTX Bình Minh chuyên sản xuất Mỳ Chũ được làm từ gạo nguyên chất, đây là sản phẩm ăn rất ngon và được nhiều người ưu thích. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến và chưa vươn ra ngoài thị trường thế giới. Nguyên nhân do nhiều DN trong làng nghề thiếu quan tâm hoặc không đủ điều kiện thực hiện khâu tiêu thụ sản phẩm, thường giao sản phẩm cho một số DN lớn ở thành phố tiêu thụ, nên thường bị lệ thuộc hoặc thua thiệt về giá cả, thậm chí còn không rõ giá bản sản phẩm của mình khi đến tay người mua. Chính vì vậy, tăng cường hợp tác trong khâu tiêu thụ, hợp tác với nhau để có thể nhận được nhiều đơn hàng lớn là rất cần thiết nhằm phát triển sản xuất và đảm bảo quyền lợi của người sản xuất.

Một vấn đề nữa cũng rất cần sự liên kết giữa các DN làng nghề đó là việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiêu biểu. Ông Nguyễn Xuân Hiên – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhận định, tiềm năng của các DN làng nghề là không nhỏ, song do thiếu thông tin, ít quảng bá về sản phẩm của mình nên nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết đến. Do vậy, rất cần sự hợp tác giữa các DN làng nghề để xây dựng thương hiệu, “đôi khi lợi nhuận chính từ thương hiệu đem lại”, ông Hiên nhấn mạnh. Ngoài ra, việc liên kết với nhau về vốn kinh doanh, đào tạo nâng cao tay nghề cho người thợ, liên kết trong việc thiết kế mẫu mã sản phẩm,… cũng rất quan trọng./.
 

Đinh Lan