Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (JVEPA) đã có hiệu lực được hơn nửa tháng. Ít nhất 86% hàng nông lâm thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế. Bởi thế, các DN XK đang nỗ lực tìm mọi cách tận dụng những lợi thế này.

   Thời cơ lớn

Sẽ có trên 7.000 mặt hàng VN khi đi vào Nhật thuế suất bằng 0% và rất nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, đồ nội thất... có thể thâm nhập thị trường này mà không vướng hàng rào kỹ thuật. Điều này đã khiến các DN chớp thời cơ tìm kiếm đơn hàng và bạn hàng mới để đẩy mạnh XK sang thị trường giàu tiềm năng này.

Những ngày đầu tháng 10/2009, Hiệp hội rau quả Việt Nam đã tổ chức một đoàn DN sang Nhật Bản tìm kiếm cơ hội kinh doanh và giới thiệu sản phẩm sẵn có của các DN Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả thì đây là một trong những thị trường chính và lâu năm của các DN sản xuất rau quả XK với kim ngạch lớn đạt khoảng 30 triệu USD/năm.

Trong chuyến đi khảo sát thị trường lần này mặt hàng các DN Việt Nam chào bán là toàn bộ các loại rau quả chế biến, đồ hộp đông lạnh rau quả sấy và muối, nước quả cô đặc và gia vị. Mục đích của các DN Việt Nam là gặp gỡ trực tiếp khách hàng, xem cơ sở kho tàng, dây chuyền chế biến cũng như kênh phân phối của đối tác để từ đó có những đề nghị hợp tác kinh doanh.

Kết quả đạt được rất khả quan khi nhiều khách hàng cũ đã tiếp tục đặt những đơn hàng mới và đề xuất muốn mua những sản phẩm mới khác. Đơn cử như quả gấc và những chế phẩm từ gấc được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau; chuối, vú sữa, măng cụt và những sản phẩm chế biến từ các loại quả này. Từ những yêu cầu của thị trường Nhật Bản, các DN chế biến rau quả của Việt Nam sẽ thí nghiệm và thử tạo ra những sản phẩm theo yêu cầu nhằm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Với ngành nông- lâm- thủy sản, theo Hiệp định, sẽ có ít nhất 86% hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế, trong đó mặt hàng tôm sẽ được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 1 - 2% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng chế biến từ tôm cũng được giảm mức thuế nhập khẩu. Sản phẩm thủy hải sản chủ yếu xuất sang thị trường này bao gồm các loại cá như cá tra, cá basa, cá hồi, cá đuối, cá bò, cá ghim, cá ngừ hun khói, mực, bạch tuộc, ghẹ.

Đặc biệt, thị trường này đang là khách hàng tiêu thụ tôm đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, chiếm xấp xỉ 30% giá trị XK mặt hàng này với kim ngạch ước đạt khoảng 400 triệu USD/năm. Vì thế, nhiều DN sản xuất thủy sản đã khá vui mừng lên kế hoạch đẩy mạnh XK sang Nhật.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex (Cần Thơ) cho biết: “Thuế suất đối với tôm vào thị trường Nhật trước đây là 4,5%, nay giảm xuống 0% thì rõ ràng chúng ta được tăng sức cạnh tranh lên. Chúng tôi rất lạc quan vì trước đây chúng ta xuất nhiều tôm vào Nhật nhưng cạnh tranh khá vất vả với hàng của một số nước khác trong khu vực ASEAN vì đã có hiệp định song phương với Nhật”.

Nhóm ngành gỗ chế biến cũng có cơ hội lớn, bởi đây là thị trường lớn thứ ba đối với sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Từ đầu năm 2009 đến nay, các DN Việt Nam đã lấy lại được vị thế của mình tại thị trường này. Trong khi xuất khẩu sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ sang hầu hết các thị trường giảm thì xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lại có xu hướng tăng khá bền vững. Việc thay đổi xu hướng tiêu dùng từ đồ nội thất cao cấp sang đồ nội thất hạng trung là cơ hội tốt đối với xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ: Nhật Bản là thị trường trọng điểm của ngành chế biến gỗ, hiệp hội đang tìm kiếm thông tin cụ thể về những mặt hàng gỗ chế biến được giảm thuế để giữa tháng 11/2009 họp bàn với các DN thành viên lên kế hoạch chi tiết cho việc đẩy mạnh XK các sản phẩm chế biến từ gỗ sang Nhật.

Còn nhiều rào cản

Khá nhiều mặt hàng dù đã được hưởng thuế suất 0%, nhưng chưa thể có mặt tại Nhật, đơn cử như một số loại nông sản, hoa quả tươi, bởi chính phủ nước này vẫn còn áp dụng lệnh cấm, mặc dù một số đối tác Nhật Bản đã đề xuất được NK hoa quả tươi của Việt Nam.

Theo ông Kỳ, mặt hàng này hai nước chưa có thỏa thuận nên Nhật Bản chưa nhập hoa quả tươi của Việt Nam. Sắp tới, các DN nước bạn sẽ đề nghị cơ quan quản lý hai nước cho NK trái cây tươi của Việt Nam, trước mắt sẽ là trái thanh long. Tuy nhiên, các DN Nhật Bản cũng đưa ra những yêu cầu cụ thể với mặt hàng này như phải xử lý sâu bệnh với trái cây tươi thật nghiêm ngặt, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Nhật.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, để xuất được các mặt hàng loại này cần có quá trình đánh giá nguy cơ dịch hại và quy trình xử lý rất tốn kém về thời gian và kinh phí. Đơn cử như trái thanh long có cơ hội vào Nhật trong thời gian tới thì cũng đã phải mất vài năm nghiên cứu nguy cơ dịch hại, đề xuất phương pháp xử lý và các tiêu chuẩn vùng trồng.

Bên cạnh đó, một số DN cũng không nên quá đơn giản khi nghĩ rằng dỡ bỏ thuế là có thể đưa hàng ngay sang Nhật mà phải biết tận dụng các cơ hội để tìm kiếm bạn hàng, đối tác. Sau chuyến khảo sát cùng các DN trong Hiệp hội rau quả, ông Kỳ khuyên nhủ: Các DN nên tìm hiểu thông tin từ Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, đây là kênh thông tin và cầu nối rất tốt giúp DN thâm nhập thị trường. Chính Đại sứ và Thương vụ Việt Nam tại Tokyo và Osaka đã quyết định sự thành công cho chuyến đi vừa rồi của các DN rau củ khi các cơ quan này đã tổ chức được những cuộc gặp gỡ với các cơ quan quản lý và DN Nhật Bản cho đoàn Việt Nam, điều này sẽ khó xảy ra nếu các DN đi nhỏ lẻ.

Theo Báo CT