Ngày 18/12/2015, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Phổ biến thông tin về các hiệp định thương mại tự do mới ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế chủ trì Hội nghị.


Tham dự Hội nghị có ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các Sở Công Thương cùng đông đảo doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các phương diện như song phương, khu vực, đa phương. Để hiện thực hoá chủ trương tiếp tục hội nhập kinh tế, nước ta đã tham gia đàm phán một số thoả thuận thương mại tự do (FTA) quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), v.v…

Các Hiệp định này đã kết thúc đàm phán trong năm 2015, có ý nghĩa rất quan trọng, giúp mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Các FTA cũng giúp Việt Nam thay đổi thể chế kinh tế, đồng thời hỗ trợ cho quá trình đổi mới và quá trình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh những thuận lợi, thì các Hiệp định mới kết thúc đàm phán cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, là sức ép cạnh tranh, sức ép hoàn thiện chính mình để nắm bắt được những cơ hội do các FTA mang lại. Với các nhà quản lý, đó là sức ép thay đổi tư duy quản lý, tư duy làm chính sách, v.v…

Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã giới thiệu về cam kết của Việt Nam trong một số lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định TPP và EVFTA; cam kết về thuế trong khuôn khổ Hiệp định TPP và EVFTA; cơ hội và thách thức từ Hiệp định VN-EAEU; cam kết về đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định TPP.

Giới thiệu về cam kết của Việt Nam trong một số lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định TPP và EVFTA, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công Thương chia sẻ, đây là những Hiệp định đầu tiên Việt Nam tham gia khuôn khổ ngoài ASEAN, chủ động có những bước đi để hình thành cách chơi mới, rõ rệt nhất. Nhưng chính vì vậy, đây sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Những nghiên cứu cả trong và ngoài nước nhìn chung đánh giá  phản ứng doanh nghiệp là tích cực.

 

Các Hiệp định thương mại tự do tạo ra cơ hội mở cửa lớn và bền vững. Bởi những ưu đãi này mang tính ràng buộc và tương đối vĩnh viễn tạo ổn định cho doanh nghiệp. Việt Nam là nước đầu tiên có được có lợi thế đáng kể trong cạnh tranh, tạo ra môi trường kinh doanh bền vững, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thuận lợi hơn. Nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn trong bối cảnh năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm Việt chưa thật sự cao.


Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, địa phương cần nhận biết được các xu hướng tác động của FTA đến địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn; Quy hoạch, định hướng giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với môi trường kinh doanh đang biến đổi bởi các FTA; Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành đưa thông tin đến các doanh nghiệp, nhất là công tác đào tạo đối với các doanh nhân; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, v.v… Đối với các doanh nghiệp, có thể có những FTA đan xen thì doanh nghiệp cần lựa chọn những FTA sao cho phù hợp với hoạt động của mình.

Đối với các Bộ, ngành, cần lưu ý khi ban hành chính sách, pháp luật mới phù hợp với cam kết; Vận dụng, khai thác cam kết để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua: Xúc tiến thương mại, thông tin, cải cách hành chính, thuận lợi hóa thương mại. Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu về nội dung cam kết liên quan đến mặt hàng của mình trên các khía cạnh: Thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp); Đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh.


 

Nguồn: moit.gov.vn