TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Mới đây, Sở Công Thương TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ tổng kết và trao tặng các danh hiệu “Làng nghề”, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp thành phố, danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Đây là những hoạt động thường niên được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và tạo thêm động lực cho các làng nghề trên địa bàn thành phố phát triển.

Theo ông Hồ Quốc Khánh – Phó Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, ngay từ những tháng đầu năm, Sở Công Thương thành phố - Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định đã tổ chức triển khai hoạt động xét công nhận các danh hiệu tới các quận huyện, thị xã Sơn Tây và hội, hiệp hội thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thành phố.

Kết quả, đã có 8 làng nghề trên địa bàn 2 huyện Phú Xuyên và Mê Linh được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”; 31 bộ sản phẩm, sản phẩm thuộc các ngành nghề sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, mây tre giang đan, cỏ tế, gốm sứ… được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Riêng với chương trình xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” năm 2017, Sở Công Thương đã nhận được tổng số 64 hồ sơ đề nghị xét tặng của 12 quận, huyện, thị xã. Trong đó có 13 hồ sơ không đáp ứng tiêu chí theo quy định và không đúng ngành nghề; 51 hồ sơ còn lại đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được hội đồng tiến hành thẩm định thực tế tại cơ sở. Theo đó, có 42 người đạt tiêu chuẩn và được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.

Chia sẻ về quá trình triển khai ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết: Vinh danh Nghệ nhân Hà Nội, công nhận làng nghề và sản phẩm CNNT biêu biểu là hoạt động thường xuyên được Sở Công Thương tổ chức hàng năm. Năm 2017 với sự nỗ lực của các đơn vị chuyên môn, sự hỗ trợ kịp thời của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, hoạt động xét tặng, công nhận các danh hiệu đã thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch.

Thực tế những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều chương trình, chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho các làng nghề phát triển. Năm 2017, UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển làng nghề.

Theo đó, thành phố đã hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện các chính sách, cơ chế đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các cơ sở, mở rộng cho vay ngoại tệ…

Cụ thể, từ nguồn kinh phí khuyến công, khuyến nông… Thành phố tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 30.000 lao động; tập huấn nâng cao năng lực quản trị cho 100 chủ doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề; hỗ trợ hơn 10 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ hơn 8 làng nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ 480 cơ sở, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thành phố đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện 10 dự án đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp làng nghề…

Riêng về việc phát triển thị trường, thay vì tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi thông tin hiệu quả không cao, năm vừa qua, Hà Nội đã lập danh sách các DN và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu gửi cho nhà nhập khẩu. Thành phố cũng đã tổ chức kết nối doanh nghiệp làng nghề với nhà nhập khẩu thông qua kênh Đại sứ quán và Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, kết nối doanh nghiệp thông qua chương trình liên kết giữa các vùng miền trên cả nước.

Với những nỗ lực trên, khu vực làng nghề đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt, mỗi năm các làng nghề xuất khẩu khoảng 175 triệu USD giá trị hàng hóa, trong đó gốm sứ, mây tre đan, sản phẩm thêu là những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn. Một số làng nghề đang có hoạt động sản xuất, xuất khẩu tốt như: Gốm Bát Tràng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động…

Để tiếp thêm động lực cho làng nghề phát triển, ông Đàm Tiến Thắng cho hay: Sang năm 2018, Sở Công Thương thành phố tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ. Trong đó, sẽ mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu làng nghề sang các làng nghề ẩm thực, cây cảnh bởi những năm gần đây các làng nghề này phát triển khá nhanh chóng. Hơn nữa, “được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là cơ hội và điều kiện cần cho việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân của thành phố. Do đó các lao động lành nghề, thợ giỏi cần chú ý hơn tới việc tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu nhằm giới thiệu sản phẩm, cũng như được ghi nhận xứng đáng”, lãnh đạo Sở Công Thương Thành phố chia sẻ.

TBT