Thực hiện Công điện của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai các biện pháp phòng chống lũ, ngày 7/10 Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu đã lên đường vào 3 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An để kiểm tra tình hình đối phó, khắc phục lũ lụt của ngành công thương tại đây. Ngay sau khi đoàn trở về Hà Nội, phóng viên Báo Thương Mại đã có cuộc trao đổi nhanh với Thứ trưởng Lê Dương Quang về nội dung của chuyến công tác.

*Đánh giá chung của Thứ trưởng sau qua chuyến đi thực tế là như thế nào?

Chuyến đi công tác kiểm tra lần này của Bộ Công Thương tập trung vào 3 trọng tâm: đánh giá mức độ thiệt hại của ngành điện, mức độ thiệt hại của ngành công nghiệp (TW và địa phương); tình hình cung ứng lương thực thực phẩm và xăng dầu, dầu mỏ của ngành thương mại trên địa bàn các địa phương nói trên.

Nhìn chung, sự chuẩn bị của ngành công thương trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An là tốt. Tất cả các ngành đều có phương án chủ động để đối phó trước khi xảy ra lũ lụt nên đã hạn chế đáng kể mức độ thiệt hại khi thiên tai ập đến. Đặc biệt ở đây, tôi xin biểu dương sự chuẩn bị kỹ lượng của 2 ngành điện và xăng dầu. Khi lũ lụt xảy ra, thiệt hại của ngành xăng dầu là không đáng kể, lượng xăng dầu đảm bảo đủ cơ số dự phòng. Đặc biệt 2 địa phương là Thanh Hóa, Nghệ An còn đảm bảo đầy đủ và tốt nhất việc cung ứng dầu hỏa cho bà con các địa phương miền núi khi xảy ra lũ lụt.

Về thương mại, cả 3 địa phương nói trên đều đảm bảo tốt việc cung ứng lương thực, thực phẩm (gạo, nước, mì tôm) cho những vùng bị lũ lụt nặng nề đặc biệt là các huyện miền tây Thanh Hóa, Nghệ An.

*Khó khăn lớn nhất mà ngành công thương gặp tại các địa phương nói trên, đặc biệt là các vùng “rốn lũ” là gì?

Cái khó nhất ở đây chính là phương tiện vận chuyển vào các vùng rốn lũ, đặc biệt là các huyện xã miền núi bị lũ chia cắt, cô lập rất khó khăn. Lực lượng các DN Nhà nước nhìn chung khó cáng đáng nổi công việc này, phải nhờ cậy rất nhiều vào các DN tư nhân ngoài quốc doanh. Nhưng khi huy động họ, cần phải trả ngay tiền công vận chuyển cho người ta.

Hệ thống chợ, đặc biệt là chợ miền núi tuy chưa có những thống kê cụ thể nhưng cũng có thiệt hại (đổ tường, tốc mái).

Ngành công nghiệp, tuy không thiệt hại lớn, bởi các DN đều có phương án chống bão lũ như đã nói. Tuy nhiên, khi thiên tai đã đến thì thiệt hại là khó tránh khỏi, đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ, tiểu thủ công nghiệp. Cụ thể: ở Thanh Hóa, tại Xí nghiệp gạch ngói có 2 công nhân bị thiệt mạng.

*Được biết, ngành điện tại Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề, giải pháp cấp bách để khắc phục sự cố trên của ngành công thương như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Đối với ngành điện lực: tại Ninh Bình, 1 số máy biến thế bị ngập nước, nhiều đường dây điện, cột điện bị đổ. Tuy nhiên, do chủ động điện nguồn nên các sự cố này có thể khắc phục và điện lại có ngay. Tuy vậy, thiệt hại lớn nhất về điện ở Ninh Bình là có khoảng 5.000 chiếc công-tơ bị ngập nước; trong khi trong kho của ngành điện lực tỉnh chỉ còn khoảng 1.000 cái. Vì thế, đã có ý kiến đề nghị cho nhập công-tơ điện từ Trung quốc. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét để lấy ý kiến của Tập đoàn Điện lực và xin phép Bộ về vấn đề này.

Riêng ngành điện của Thanh Hóa thiệt hại nặng nề nhất, có tới 240 trạm, máy biến áp bị ngập nước, đường dây 35 KW, đường dây hạ thế bị đổ nhiều. Đặc biệt, tại nhiều địa phương vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do bị lũ chi cắt nên vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại cụ thể

Tại Nghệ An, nhìn chung thiệt hại không đáng kể, chủ yếu là của các hộ dân ở các xã, thôn bản. Chúng tôi đã đề nghị Sở Công nghiệp tại đây phối hợp với ngành điện lực địa phương, khẩn trướng khắc phục những sự cố về điện cho bà con nhanh nhất. Nếu chưa có điện thì ngành thương mại sẽ phải nhanh chóng cung ứng dầu hỏa thắp sáng cho bà con.

Nhân dịp này, Đoàn công tác đã thay mặt Bộ Công Thương trao tặng ủng hộ cho 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An mỗi tỉnh 50 triệu đồng để chia sẻ và góp phần khắc phục hậu quả bão lụt với đồng bào.

(Nguồn: TM)