Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trên địa bàn có nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Từ nguồn vốn khuyến công, tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển chương trình "mỗi làng một nghề"; đồng thời, sản phẩm làm ra phải hướng đến việc xây dựng thương hiệu để đứng vững được trên thị trường.
           Hiện, Trung tâm khuyến công Thừa Thiên - Huế thực hiện nhiều đề án trọng điểm như: hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nhân cấy nghề mới, xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, hỗ trợ cơ sở tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, tham gia Festival làng nghề Huế vào tháng 6/2009. Tỉnh tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm phục vụ du lịch lần thứ nhất, thu hút 336 sản phẩm của 66 cá nhân, doanh nghiệp tham gia. Kết quả hội thi chọn được một số sản phẩm đầu tư phát triển, đưa ra thị trường như: mô hình làm hàng lưu niệm bằng hình thức lắp ghép (của Công ty cổ phần chế biến lâm sản Hương Giang), sản phẩm điêu khắc bằng công nghệ lazer (Cơ sở mỹ nghệ Trường Tiền), chạm khảm tre (của cơ sở Đoàn Minh Căn), gốm Phước Tích...Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã tổ chức hội thi, chọn được 7 mẫu thiết kế giấy lót nón bài thơ xứ Huế đưa vào sản xuất.
           Mô hình làm hàng lưu niệm bằng hình thức lắp ghép của Công ty cổ phần chế biến lâm sản Hương Giang đã tạo được sản phẩm xuất khẩu. Vừa qua, vốn khuyến công quốc gia còn hỗ trợ đào tạo 5 lớp với 250 học viên tại các huyện Hương Trà và Quảng Điền, nhằm tận dụng lao động nông nhàn trong nông nghiệp làm vệ tinh gia công sản phẩm cho công ty. Các sản phẩm nón bài thơ xứ Huế, mè xửng Thiên Hương, gốm Phước Tích, đúc đồng Phường Đúc...trở thành những thương hiệu nổi tiếng đối với khách du lịch. Cơ sở Ngọc Anh được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nên đã mạnh dạn bỏ ra 20 tỉ đồng mở xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ, hiện nay đạt giá trị hàng hoá xuất khẩu từ 1,5 triệu USD đến 2 triệu USD/năm.
           Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 13.400 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, với tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 38.500 lao động, nhất là nguồn lao động nhàn rỗi trong nông thôn hiện nay. Tại huyện Phú Vang, hiện có 11.248 hộ hoạt động sản xuất trong 8 làng nghề, thu hút 2.220 lao động, với doanh thu 14,3 tỉ đồng/năm. Huyện phấn đấu hỗ trợ xây dựng hạ tầng để đến năm 2010 có 50% số địa phương có làng nghề.../.
                              Quốc Việt