Theo tính toán, toàn công trình Thủy điện Sơn La sẽ phải sử dụng trên 5 triệu m3 bê tông, trong đó có khoảng 3 triệu m3 bê tông đầm lăn (RCC), còn lại là bê tông thường. Toàn bộ phần đổ bê tông RCC chủ yếu do Công ty cổ phần Sông Đà 5 chịu trách nhiệm.

Bê tông đầm lăn, kết quả của sự nghiên cứu sáng tạo

Bê tông RCC là loại sản phẩm được chế từ một hỗn hợp các loại nguyện liệu: xi măng, 4 loại đá với các kích cỡ khác nhau (nhỏ cỡ 5 x 12,5mm đến 25x50mm) trộn với cát nhân tạo (được nghiền từ đá) cộng với tro bay (loại bồ hóng muội than thải ra của nhà máy nhiệt điện Phả Lại) và một số phụ gia nữa. Việc đưa RCC vào thi công Thủy điện Sơn La cũng khá nan giải. Nhiều người lo lắng Việt Nam chưa làm bao giờ nên không thể “liều lĩnh” thử nghiệm với một công trình quan trọng như Thủy điện Sơn La. Các chuyên gia Việt Nam phải đi tham khảo học hỏi kỹ thuật sản xuất RCC ở nhiều nước châu Âu như Canada, Tây Ban Nha, Pháp, Braxin, đồng thời mời chuyên gia Thụy Sỹ vào nghiên cứu và giám sát kỹ thuật. Công ty tư vấn thiết kế xây dựng Điện I đã mua hẳn dây chuyền thiết bị mới hàng chục tỷ đồng và phá hẳn một xưởng cơ khí lấy mặt bằng làm thí nghiệm RCC. Phải qua rất nhiều thí nghiệm chứng minh, rất nhiều cuộc tranh luận, bàn cãi, cuối cùng phương án bê tông đầm lăn mới được thông qua với kế hoạch điều chế tro bay từ bã than chưa cháy hết của nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Ngay sau đó, trạm trộn bê tông 720m3/h được nhập về, Công ty Sông Đà 5 chịu trách nhiệm thi công đổ bê tông đầm lăn.

Từ trạm trộn 720m3/h, các hỗn hợp nguyên liệu được pha chế nhào trộn hoàn toàn tự động và theo hệ thống băng tải hiện đại rót trên mặt đập. Cứ 30cm lớp vữa bê tông rải xuống lập tức sẽ được các loại thiết bị đầm lăn nén chắc làm phẳng. Công nghệ này giúp cho thi công nhanh hơn, rẻ hơn so với công nghệ đổ bê tông truyền thống. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ thuật và thời gian cũng khắt khe hơn. Những ngày nắng nóng, thợ phải trộn cỡ 20 kg nước đá cho mỗi mét khối RCC để đảm bảo nhiệt độ bê tông luôn ở 22 độ C để giữ bê tông không bị nứt. Việc đổ bê tông phải liên tục nên dù trời mưa hay nắng, kể cả khi gió bão cũng phải căng bạt lên, chia ca kíp để làm việc 24/24h. Các chuyên gia nước ngoài rất khâm phục khi biết tháng đầu tiên thợ Sông Đà 5 đã đổ được 120.000 m3, tháng thứ 2 đổ được 180.000 m3/tháng. Bởi vì thông thường để có 1 triệu m3 bê tông, một công ty sản xuất theo phương pháp truyền thống phải mất 20 năm làm việc liên tục, trong khi Công ty Sông Đà 5 với 1 trạm trộn 720m3/h chỉ cần 8 tháng. Để đảm bảo chất lượng, Ban Quản lý dự án phải thành lập hẳn một phòng thí nghiệm tại công trường để kiểm tra. Cán bộ giám sát thực hiện giao ca, ăn cơm tại công trường để đảm bảo bám sát hiện trường 24/24h. Các hạng mục thực hiện giao ban hàng ngày, hàng tuần giao ban chuyên đề và hàng tháng giao ban kiểm tra tiến độ. Đó là chưa kể những cuộc hội ý đột xuất để giải quyết tất cả mọi khó khăn phát sinh.

Ông Trần Văn Phòng, Phó giám đốc Ban điều hành Tổng thầu (Tổng công ty Sông Đà) khẳng định: chưa có công trình nào được quan tâm theo dõi sát sao, được tạo mọi điều kiện (nhất là tài chính) như công trình Thủy điện Sơn La. Đó cũng là yếu tố quan trọng đẩy nhanh tiến độ công trình. Được biết, tính đến tháng 9/2009 đã có khoảng 110 văn bản, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành chỉ đạo hoạt động của Thủy điện Sơn La.

Chế tạo, lắp đặt thiết bị: niềm tự hào của ngành cơ khí Việt Nam

Cũng như các hạng mục khác, việc lắp đặt thiết bị ở Thủy điện Sơn La hoàn toàn do các đơn vị trong nước đảm nhận. Trong hơn 115 nghìn tấn thiết bị, Công ty lắp máy số 10 (LiLama 10) phải lắp đặt tới 73 nghìn tấn cho các hạng mục: thiết bị đập tràn, cửa nhận nước, đường ống áp lực, thiết bị hạ lưu, thiết bị cơ điện, đặc biệt là lắp đặt thiết bị sáu tổ máy - một trong những công việc quan trọng quyết định việc phát điện của Thủy điện Sơn La. Được biết, các doanh nghiệp cơ khí trong nước chế tạo tới 27 ngàn tấn thiết bị (Lilama 10 chế tạo 4.000 tấn, Liên danh cơ khí điện lực Hà Nội và cơ điện miền Trung chế tạo 9.000 tấn, Tổng công ty Máy thiết bị công nghiệp (MIE) chế tạo 14.000 tấn). Hiện Lilama 10 đã huy động trên 1.000 kỹ sư và công nhân có kinh nghiệm đến công trường... Sang năm 2010, lúc cao điểm sẽ huy động khoảng 3.500 người tham gia để đảm bảo quý II/2010 hoàn thành lắp thiết bị chính, đưa tổ máy 1 vào vận hành cuối năm 2010. Ông Nguyễn Thế Trinh- Giám đốc chi nhánh thủy điện Sơn La của LiLama 10- cho biết, phức tạp nhất trong công đoạn lắp máy là việc lắp đường ống áp lực nối với buồng xoắn ở độ dốc 53 độ, mỗi đoạn ống dài 2 m, đường kính 10,5 m nặng tới 25 tấn với yêu cầu độ chính xác rất cao, thợ phải căn chỉnh sao cho đồng tâm đồng cốt đồng trục, sau đó phải chụp phim, siêu âm đảm bảo đạt yêu cầu 100% thì mới được nghiệm thu. Việc lắp đặt tổ hợp roto nặng 1.100 tấn cũng rất phức tạp. Vào giai đoạn cuối này, mọi đường găng của công trình hầu như đều tập trung vào Lialama 10.

Theo ông Đặng Văn Long, phó Tổng giám đốc Lilama 10, quan trọng nhất là phải đồng bộ giữa việc đổ bê tông và chuẩn bị mặt bằng, bởi phải đặt sẵn nhiều chi tiết trước khi đổ bê tông, có những chi tiết dài hàng chục mét, nặng hàng tấn. Điều ngại nhất của thợ lắp máy là thiết bị không đồng bộ và kém chất lượng vì sản phẩm nhập từ các đơn vị khác nhau. Rất may là tình trạng đó ít xảy ra ở Thủy điện Sơn La. Ông Trinh rất tự hào về những sáng kiến đã được áp dụng trong quá trình thi công. Ví dụ: khi thử khô cửa van xả sâu nặng 50 tấn phải đưa cửa van lên cao độ 228 m. Trong thiết kế kỹ thuật yêu cầu hạng mục này phải sử dụng cần cẩu ngoại 350 tấn. Thế nhưng, nếu chờ nhập được cần cẩu này về thì sẽ không kịp tiến độ tích nước hồ vào tháng 5/2010. Lialama đã nghiên cứu dùng “cẩu trục què” (loại cẩu trục 1 chân cao 1 chân thấp) của cơ khí Quang Trung để đưa thiết bị lên cao độ 195 m, công việc còn lại là đưa tiếp từ cao độ 195 m lên 228 m sẽ đơn giản và nhanh hơn nhiều, nhờ vậy việc thử van xả sâu mới đảm bảo tiến độ để kịp tích nước hồ. Đây là công việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử xây dựng thủy điện ở Việt Nam. Còn ông Long thì khẳng định chắc chắn, Lilama 10 chưa bao giờ chậm tiến độ và chắc chắn sẽ tiếp tục đảm bảo tiến độ phần việc lắp máy của mình.

Những cuộc chiến giữa thủy điện và thủy tinh

Ai từng có mặt ở Thủy điện Sơn La những ngày chuẩn bị khởi công chắc không thể nào quên được cơn lũ muộn ngày 30/10/2005, thời điểm cả công trường đang gồng mình chuẩn bị cho ngày khởi công (2/12/2005). Đê quai, cống dẫn dòng, điện, đường, cầu đã xong, phương tiện máy móc, nhân lực đã chờ sẵn. Mọi việc “đã hòm hòm” nên công nhân cũng có phần thảnh thơi. Không ngờ, sáng sớm 30/10/2005, lũssông Đà cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn, mực nước đã mấp mé đê quai. Trong khi đó, tại hố đào giữa sông đang có hàng trăm phương tiện máy móc, xe cộ, lán trại và hàng ngàn nhân công của các đơn vị Sông Đà, Licogi, Trường Sơn. Nếu đê quai bị vỡ thì tất cả sẽ bị thổi bay trong chốc lát. Toàn công trường báo động khẩn cấp. Tất cả dồn lên mặt đê quai. Lúc này lưu lượng nước lên tới 3.100m3/s. Mực nước đo được lúc cao điểm tới gần 120m.

Đại tá Đào Tuấn, Tổng giám đốc Ban điều hành Tổng công ty Trường Sơn ra lệnh huy động toàn bộ phương tiện tập trung tôn cao mặt đê quai. Người cứ đắp thêm được 1 lượt đất thì nước lũ lại cao thêm vài cm. Người và lũ giằng co nhau suốt từ 6 giờ sáng đến tám giờ tối, chiếc đê quai trở nên mỏng manh yếu đuối trước sự hung dữ của nước lũ. Đã có lúc ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ ra lệnh rút quân để bảo toàn tính mạng cho hàng ngàn con người. Thế nhưng, đại tá Đào Tuấn đã bàn bạc và đề nghị cho điều thêm quân lên phía đê quai thượng lưu giúp cánh quân của Sông Đà cứu đê. Đồng thời mở một đường từ bờ sông xuống hố đào để chuyển xe và thiết bị máy móc lên cao (trước đó xe muốn đi từ hố đào lên phải đi vòng). Chỉ có 1 làn đường vừa mở vội bên mé nước bập bềnh, nhiều lái xe thấy run nhưng đại tá Đào Tuấn ra lệnh: “người nào bỏ trận địa coi như đào ngũ”.

Quân lệnh đã ban ra, hơn nữa tất cả ban chỉ huy, kể cả “ông già” Thái Phụng Nê đều đang ở hiện trường nên anh em cũng yên tâm. Khổ nhất là đang lúc “nước sôi lửa bỏng” thì một chiếc xe ủi bị đứt xích làm chắn cả dòng xe đang đi chuyển lên bờ. Đại tá Đào Tuấn đã nghĩ tới chuyện cẩu luôn chiếc xe quẳng xuống sông để mở đường cho dòng xe lên. May mà mọi việc cũng được giải quyết. Thậm chí, cánh “Trường Sơn” còn dự phòng thêm vài xe tải hạng nặng chở đầy bê tông để phòng khi nguy cấp sẽ dìm luôn cả xe xuống để chặn dòng lũ. Đến chiều thì cơn lũ cũng phải chịu thua con người. Cả công trường reo hò ăn mừng chiến thắng, thắp hương cảm ơn trời phật và… Hà bá. Nếu không có sự chỉ huy kiên quyết của lãnh đạo và sự dũng cảm, đoàn kết của những người thợ thì trận lũ đó sẽ cuốn phăng tất cả, tất cả phải làm lại từ đầu, ngày khởi công sẽ không thực hiện được đúng lịch và chắc chắn tiến độ sẽ chậm lại khá lâu. Riêng ông Vũ Đức Thìn (khi đó là Trưởng ban Quản lý dự án), ông Ngô Kim Tới (phó Tổng giám đốc Tổng công ty sông Đà) và ông Nguyễn Hồng Hà (khi đó là Phó trưởng ban Quản lý dự án phụ trách kỹ thuật) thì vẫn chưa hết… run. Nguyên nhân là vì quá sốt ruột với tiến độ nên các ông đã cho thợ bóc dần lớp đất đê quai để tranh thủ tiến độ. Nếu chẳng may vỡ đê quai thì bao nhiêu tài sản công sức và con người bị thiệt hại, tiến độ chậm lại thì không gì bù đắp nổi. Đúng là một thử thách khốc liệt đối với các đơn vị thi công. Đến nay thì đơn vị nào cũng có kinh nghiệm chống lũ “đầy mình”.

Được biết, tối 5/7 vừa qua, Thủy điện Sơn La lại gặp một trận lũ lớn, tần suất 3% (100 năm xảy ra 3 lần). Nước sông phía hạ lưu lên tới cao độ 137,3 m với lưu lượng 16.000m3/giây nhưng công trình vẫn bình yên. Mỗi cơn lũ tràn qua là một lần lo âu hồi hộp, sau đó là tự hào phấn khởi vì bản thân cơn lũ đã tự nghiệm thu chất lượng công trình.
 

CTV.Ngọc Loan