Làng nghề - Nghệ nhân
Không chỉ nổi danh với những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được chế tác từ sừng, làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thanh Oai, Hà Nội) còn được mênh danh là làng nghề “trăm tỷ” của Thành phố.


Làng “đặc ruột”, đó là lời ví von ý nhị của một người dân làng nghề với chúng tôi khi nói về độ khá giả của những người dân làm nghề. Chị cho biết, Thụy Ứng hiện người người làm nghề, nhà nhà làm nghề. Những gia đình có vốn lớn, có đầu ra thuê nhân công, dựng nhà xưởng sản xuất hàng mỹ nghệ, mỗi năm xuất khẩu hàng chục container sang các nước  châu Âu. Những hộ gia đình chuyên sản xuất mặt hàng đầu sừng, như: Đầu bò rừng, đầu tê giác… lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.


Chị cũng cho biết, với những gia đình không có vốn, đầu ra thì nhận hàng về làm với mức thu nhập không hề thấp, từ 200 - 500 nghìn/ngày/người.


Thực tế, Thụy Ứng vốn là một trong những làng nghề “trăm tỷ” của thành phố Hà Nội. Danh tiếng của sản phẩm làng nghề được xây dựng trên sự chịu thương chịu khó và đôi bàn tay khéo léo bền bỉ của người thợ nơi đây. Bởi, để có được một sản phẩm mỹ nghệ bằng sừng đẹp, hoàn chỉnh, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn, từ: Sơ chế sừng, sấy khô, mài cắt, tạo hình, đánh bóng…. Cứ thế, những vật dụng gắn bó với đời sống con người, như: Lược sừng, bát, đĩa, đồ ăn, vật dụng trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai… dần thành hình.


Theo anh Cường, chủ một cơ sở có tiếng tại Thụy Ứng, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp làng nghề đã nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết kế mẫu mã sản phẩm nên đầu tư đáng kể cho đội ngũ thiết kế, tham gia các hội chợ triển lãm, tìm hiểu thị trường. Sản phẩm của làng nghề theo đó ngày một chắc chân trên các thị trường nhập khẩu. Bản thân anh Cường cùng với đội ngũ thiết kế của cơ sở tích cực tham gia các lớp đào tạo về thiết kế do Bộ Công Thương và Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tổ chức nhằm cập nhật thông tin về thị trường, sản phẩm…


Cũng theo anh Cường, từ đầu năm tới nay sản xuất của cơ sở luôn ổn định, hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Hiện cơ sở của anh cũng như những cơ sở lớn tại làng nghề đang dồn vốn nhập nguyên liệu để chuẩn bị cho vụ sản xuất cuối năm, đặc biệt vào dịp Noel, tết dương lịch…


Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nghề chế tác sừng mỹ nghệ, đời sống của người dân Thụy Ứng ngày một sung túc hơn, thậm chí cao hơn so với một số làng nghề mây tre đan, nghề thêu… Tuy nhiên, điều khiến không ít người dân làng nghề cũng như chính quyền nơi đây lo lắng là ô nhiễm môi trường tại làng nghề có xu hướng tăng.


Bụi sừng, bụi gỗ tạo ra trong quá trình chế tác khiến làng nghề luôn ngập trong bụi. Đáng nói, với những gia đình không có xưởng, sản xuất lộ thiên bụi sừng gặp nước bốc mùi rất khó chịu. Khâu phun sơn, tạo độ bóng cho sản phẩm cũng khiến một lượng hóa chất không nhỏ xả ra môi trường. Hậu quả, đã có không ít người dân làng nghề mắc các bệnh về hô hấp, dị ứng.


Cùng đó, người dân làng nghề thu mua da, sừng, xương, móng trâu, bò khắp nơi về chế biến. Đặc biệt, da trâu, da bò sau khi thu gom về được ướp, ủ với muối sau đó lại được xuất đi. Quá trình ủ da trâu, bò diễn ra trong nhiều ngày khiến không khí xung quanh đặc mùi nồng nặc.


Có thể nói, nghề chế tác sừng mỹ nghệ đã tạo nên sự sung túc cho người dân Thụy Ứng. Tuy nhiên, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cho người dân đồng thời hướng làng nghề tới sự phát triển bền vững là rất cần thiết. Xây dựng một khu sản xuất tập trung, có hệ thống xử lý nước thải, rác thải, đưa toàn bộ hoạt động sản xuất vào nơi tập trung là điều mà chính quyền và người dân Thụy Ứng đang mong muốn.


Bảo Ngọc