Nhận thức và quan điểm CNH-HĐH theo hướng hiện đại ở nước ta đã được nhấn mạnh hơn ở Đại hội IX và Đại hội X của Đảng: "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho CNH-HĐH đất nước, phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại"
Trước nhiều ý kiến của các địa phương (Bắc Ninh, Quảng Ninh,Thái Nguyên...) về việc xác định cần đạt đến mức chuẩn nào là đủ thỏa mãn yêu cầu của một nước công nghiệp hoặc hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp của Việt Nam. Bộ tiêu chí được xây dựng trên quan điểm kế thừa các nghiên cứu tiêu chí nước phát triển công nghiệp của Việt Nam, trong đó có Đề án của Bộ Công Thương báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư “Xây dựng hệ thống tiêu chí nước phát triển công nghiệp của Việt Nam”.
Tiêu chí của một tỉnh công nghiệp
Tiêu chí công nghiệp hóa có thể hiểu là những đặc trưng để nhận biết hay để phân biệt trình độ đạt được trong tiến trình công nghiệp hóa. Muốn ước lượng và so sánh trình độ công nghiệp hóa của một vùng lãnh thổ, cần phải lượng hóa các tiêu chí đánh giá. Phương pháp thường dùng là phương pháp chỉ tiêu, theo đó, mỗi tiêu chí lựa chọn ra một số chỉ tiêu định lượng có thể tính toán được và thể hiện đầy đủ tính chất của tiêu chí đó.
Cơ sở xác lập và cách tiếp cận xây dựng Bộ tiêu chí chính cho tỉnh công nghiệp ở nước ta, đó là: Thể hiện đặc thù của Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; thể hiện các đặc tính công nghiệp hóa, hiện đại hóa cơ bản của một tỉnh công nghiệp; không thay thế các chỉ tiêu khác sẽ được tính trong bộ tiêu chí kinh tế - xã hội; có thể so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế; có thể tính toán được trên cơ sở các công cụ, số liệu thống kê chính thức hiện hành; tránh sử dụng các tiêu chí ở Việt Nam chưa áp dụng hoặc đang áp dụng thí điểm.
Nghiên cứu một Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp cho Việt Nam.
Để đi đến một Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp phù hợp yêu cầu phát triển của nước ta và có thể so sánh quốc tế, cần tiến hành nhiều bước nghiên cứu rất cụ thể và phải thu thập số liệu trong, ngoài nước thích hợp. Cơ sở lý luận công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các chỉ tiêu công nghiệp hoá, mô hình công nghiệp hoá cần thiết phải xây dựng dựa trên kinh nghiệm công nghiệp hoá, hiện đại hoá của một số nước trên thế giới. Đồng thời, khi đánh giá thực trạng công nghiệp hoá cần có sự so sánh với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Sơ bộ có thể tham khảo một số tiêu chí sau: Tiêu chí về kinh tế, khoa học công nghệ, xã hội văn hoá, môi trường tài nguyên. Các tiêu chí này tương ứng với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, phát triển khoa học công nghệ tiến tới kinh tế tri thức, phát triển xã hội hài hoà với phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ, cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên cần lưu ý những vấn đề sau:
Tiêu chí GDP bình quân đầu người >10.000 USD là không khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, chỉ nên đưa ra GDP bình quân đầu người >5.000 USD như nghiên cứu của GS. Đỗ Quốc Sam.
Tiêu chí về cơ cấu kinh tế, do tỷ trọng công nghiệp trong GDP luôn tăng trong giai đoạn tiền công nghiệp và giảm trong giai đoạn hậu công nghiệp; tỷ trọng dịch vụ trong GDP luôn tăng trong suốt quá trình; tỷ trọng nông nghiệp trong GDP cũng luôn giảm trong suốt quá trình, vì vậy nếu đưa ra tỷ lệ cứng là không phù hợp mà chỉ nên đưa chỉ tiêu tỷ trọng nông nghiệp trong GDP <15% thể hiện sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của một nước từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp.
Tiêu chí tỷ trọng lao động trên tổng số lao động chỉ nên đưa chỉ tiêu tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng số lao động <20% là phù hợp để thể hiện mức độ giảm lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa.
Đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ sử dụng internet/hộ dân (%); tỷ lệ điện thoại/hộ dân (%) là các tiêu chí mang tính tham khảo do hiện nay tỷ lệ sử dụng điện thoại di động/đầu người đã khá cao, vượt qua chỉ tiêu tỷ lệ điện thoại/hộ dân (%) >95% và tỷ lệ sử dụng internet/đầu người cũng đã vượt qua chỉ tiêu tỷ lệ sử dụng internet/hộ dân (%) >90%.
Để hệ thống tiêu chí mang tính linh hoạt, cần đưa ra hệ thống các chỉ tiêu cứng và hệ thống các chỉ tiêu mềm. Việc xác định tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tuy không phổ cập cho tất cả các tỉnh trong cả nước mà căn cứ vào thế mạnh riêng của từng địa phương nhưng đây là một trong những căn cứ quan trọng tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, Bộ tiêu chí tỉnh công nghiệp về cơ bản phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 và các năm tiếp theo.
Như vậy “Thế nào là một tỉnh công nghiệp nhằm tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và lượng hoá tiêu chí tỉnh công nghiệp là những vấn đề thời sự, cần được quan tâm nghiên cứu khẩn trương và nghiêm túc, để làm cơ sở cho các định hướng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển những năm sắp đến.
Mai Hương (ARID)