Hiện nay, các làng nghề ven biển Tây Nam Bộ chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre trúc, lục bình, lau sậy, đặc biệt là nguồn nguyên liệu nuôi trồng, khai thác thủy sản như cá đồng, cá biển, tôm, mực…


Sản phẩm của làng nghề này chủ yếu là các mặt hàng phục vụ đời sống, thực phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, nhiều nhất là về tôm cá các loại. Các ngành nghề này thường có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình, có tính chất mùa vụ, chủ yếu thực hiện bằng thủ công, chưa vận dùng nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ còn nhiều biến động… Giải pháp nào để thúc đẩy phát triển nghề và làng nghề ở vùng ven biển Tây Nam Bộ là vấn đề đặt ra tại hội thảo “nhân rộng và phát triển làng nghề các tỉnh ven biển Tây Nam bộ” được tổ chức tại thành phố Cà Mau ngày 26/10 vừa qua.


Theo các ý kiến tại Hội thảo, hầu hết các ngành truyền thống ở nông thôn nước ta chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô phát triển sản xuất nên chưa đủ sức tiếp cận với thị trường xuất khẩu. Vì vậy, việc phát triển các làng nghề ven biển Tây Nam bộ có ý nghĩa to lớn trong việc giải quyết lao động nông nhàn, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con nông dân, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp. Hội thảo cũng bàn về định hướng phát triển của các làng nghề trong giai đoạn 2011-2020, theo đó, các làng nghề ven biển Tây Nam bộ cần tích cực áp dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất, sử dụng nhiều lao động có tay nghề, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống.


Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp địa phương Nguyễn Thăng Long đã đưa ra nhiều giải pháp ưu tiên hàng đầu như: mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và các nhà hỗ trợ để cải tiến mẫu mã, cung cấp vốn cũng như thông tin thị trường; đào tạo nâng cao năng lực quản lý kinh doanh của các chủ cơ sở sản xuất, tay nghề thợ thủ công, truyền nghề. Trong đó, chú trọng “cung cấp sản phẩm thị trường cần chứ không nên bán sản phẩm sẵn có”. Đặc biệt, trong quá trình phát triển làng nghề, đẩy nhanh đô thị hóa nông thôn phải gắn liền với tiêu chí “ly nông bất ly hương” để sản phẩm nông dân làm ra làm giàu cho chính địa phương mình.
 

Hải Hà