Thực hiện Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn Kiểm tra thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2020 (tại Quyết định số 4747/QĐ-BCT ngày 25 tháng 9 năm 2009).

Theo kết quả kiểm tra, giai đoạn 2006-2010, ước tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn Vùng đạt 18,5%/ năm (vượt mục tiêu đề ra là 15-16%). Trong quá trình phát triển công nghiệp, các tỉnh đã thực hiện đúng các quan điểm của Quy hoạch; phát huy được lợi thế, tạo nên sức mạnh phát triển của Vùng gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; tạo động lực thúc đẩy sự chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dần sang các ngành công nghiệp có công nghệ và kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng cao; từng bước hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực. Một số ngành như dệt may, giày dép, điện, điện tử... đã tham gia một cách tích cực vào quá trình phát triển và hội nhập với khu vực và thế giới, thông qua các hình thức chuyển giao công nghệ, nghiên cứu đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cũng như việc xây dựng thương hiệu để có thể đứng vững trước các áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Ngành công nghiệp của Vùng đã thu hút được mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất, trong đó chiếm vai trò động lực phát triển là khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài; đồng thời đã bước đầu có sự gắn kết, thúc đẩy các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, dịch vụ phát triển thông qua các chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, phát triển dịch vụ phục vụ các khu công nghiệp v.v... Cơ cấu kinh tế các tỉnh trong Vùng đều có tỷ trọng công nghiệp cao, từng bước dịch chuyển theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

Quá trình các tỉnh xây dựng quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng các dự án công nghiệp luôn có sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, đã có sự quan tâm hơn tới việc gắn kết với việc thực hiện các quy hoạch liên quan khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch điện, quy hoạch du lịch... và vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế như công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển công nghiệp ở một số tỉnh chưa thực hiện tốt; công nghiệp hỗ trợ của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) còn thiếu, không đáp ứng được nhu cầu phát triển cho các ngành công nghiệp cơ khí, điện – điện tử, dệt may, giày dép.

Về định hướng phát triển của Quy hoạch, nhìn chung, đã được các địa phương trong Vùng thực hiện tốt. Các ngành công nghiệp đã có sự phân bổ phù hợp với lợi thế của Vùng, như ngành khai thác và chế biến dầu khí, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành chế biến nông sản – thực phẩm, chế biến lâm sản, cơ khí, điện – điện tử, hóa chất, dệt may – da giầy (bước đầu đã có sự chuyển dịch từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh trong vùng và phụ cận).

Tuy nhiên, việc chuyển dịch các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép) từ các khu vực đô thị tại một số tỉnh (như Đồng Nai…) ra các khu vực khác triển khai còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra do điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và khả năng cung cấp nguồn lao động tại các khu vực này chưa đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các ngành cơ khí, điện – điện tử, dệt may – da giầy. Các ngành công nghiệp công nghệ cao, có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao định hướng được phát triển tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Tuy nhiên mới chỉ thực hiện tốt tại TP HCM và Bình Dương, còn tại Đồng Nai các dự án cơ khí, điện tử viễn thông đầu tư vào tỉnh có trình độ công nghệ trung bình, trình độ tự động hóa thấp, các công đoạn sản xuất giản đơn, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp.

Về công tác thực hiện quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất, với quan điểm tập trung thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện có, chỉ đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới khi tỷ lệ lấp đầy đạt được trên 74% và phát triển các khu công nghiệp đồng bộ với hạ tầng xã hội, chăm lo điều kiện làm việc, đời sống và nhà ở cho người lao động, tính đến nay, về cơ bản quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy vậy, đã có một số sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của các địa phương, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc đồng ý chủ trương.

Việc quy hoạch và đầu tư phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp bước đầu đã hạn chế và dần khắc phục được tình trạng doanh nghiệp sản xuất nằm xen kẽ trong khu vực dân cư, hướng sẽ di dời các cơ sở ô nhiễm vào các cụm tập trung, tránh tình trạng đầu tư ngoài khu, cụm, điểm công nghiệp; huy động được nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và thu hút được số lượng lớn lao động.

Về thu hút đầu tư, Vùng KTTĐPN là vùng thu hút được nhiều nhà đầu tư nhất cả nước. Từ năm 2006 đến năm 2008 đã thu hút hơn 4000 dự án đầu tư với tổng số vốn là 107.762 tỷ đồng và 33,026 tỷ USD.

Về tình hình triển khai hệ thống các giải pháp thực hiện quy hoạch, các địa phương đã đã tiến hành lập, thực hiện và điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch phát triển công nghiệp của Vùng. Hệ thống các giải pháp thực hiện quy hoạch có tác động thúc đẩy nền công nghiệp của Vùng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đa dạng hóa ngành nghề, nâng cao trình độ công nghệ, góp phần giải quyết việc làm, từng bước chuyển lao động nông nghiệp sang hoạt động công nghiệp.

Công tác cải cách hành chính của các tính trong Vùng được đẩy mạnh, giảm phiền hà và chi phí cho các doanh nghiệp góp phần nâng cao khả nang cạnh tranh cho ngành. Hầu hết các tỉnh trong Vùng có phân bố kế hoạch sử dụng đất cho phát triển công nghiệp hợp lý, có hiệu quả, đặc biệt là đất giành cho phát triển các khu công nghiệp. Tuy nhiên ở một số tỉnh công tác đền bù, giải tỏa còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào các khu, cụm, điểm công nghiệp.

Công tác đào tạo nghề, tổ chức dạy nghề cho cư dân nông thôn, triển khai các đề án xã hội hóa hoạt động dạy nghề, phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm, đào tạo lao động các ngành nghề thủ công nghiệp... đã được chú trọng thực hiện dưới nhiều hình thức, có sự hỗ trợ của nguồn kinh phí khuyến công.

Do sự cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, công nghệ thiết bị trong các nhà máy, các ngành công nghiệp trong Vùng đang dần dần được đổi mới, một số doanh nghiệp đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xử lý tốt ô nhiễm môi trường.

Về nghiên cứu khoa học, đã triển khai nhiều đề tài, dự án gắn việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thủy lợi, xây dựng, giao thông, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên vốn ngân sách đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho công tác này ở một số tỉnh còn hạn chế nên việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất chưa nhiều, còn khá nhiều cơ sở ứng dụng công nghệ lạc lậu, thủ công truyền thống.

Về phía các địa phương đã có một số kiến nghị yêu cầu Bộ Công Thương cần phải có nghiên cứu cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể phát triển ngành này. Ngoài ra, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển Vùng KTTĐ phía Nam cho phù hợp với thực tế. Mặt khác, mặc dù các tỉnh đã chủ động hợp tác liên kết với nhau nhằm phát huy lợi thế của địa phương mình, tạo điều kiện phối hợp, trao đổi về công nghiệp, nhưng do chưa có các chính sách tổng thể dành riêng cho Vùng nền thực chất việc liên kết , hợp tác giữa các tỉnh/thành phố trong Vùng và giữa Vùng với các Vùng kinh tế khác chưa chặt chẽ; các tỉnh/ thành phố có nền kinh tế phát triển chưa phát huy vai trò đầu tàu và thúc đẩy phát triển các tỉnh trong Vùng. Vì vậy cần có sự chỉ đạo của Ban điều phối Vùng của Chính phủ trong việc thực hiện Quy hoạch.
 

Nguồn: moit.gov.vn