Giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận tăng bình quân hàng năm là 30,24%, gấp 2,1 lần so với 5 năm trước; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 14,68%.


Cơ cấu ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 27,8% trong GDP toàn huyện, trong đó công nghiệp từ 11,98% (năm 2005) tăng lên 14,48%, và đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện; thu ngân sách từ hoạt động sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm đạt trên 20%. So với năm 2005, số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể tăng khá, đến nay đã có 133 doanh nghiệp, tăng70% với tổng vốn 652 tỷ đồng, tăng 13 lần; hộ kinh doanh cá thể 6.850 hộ, tăng 120% với tổng vốn 84 tỷ đồng, tăng 2 lần. Các sản phẩm chủ yếu có thị trường tiêu thụ ổn định như khai thác vật liệu xây dựng, xay sát chế biến lương thực, mộc dân dụng, đồ gỗ kỷ nghệ, bún, bánh tráng; có thêm sản phẩm mới như may mặc, đường cát, bao bì…


Đến năm 2010, Làng nghề dệt thổ cẩm La Dạ được đầu tư hoàn thành cơ sở vật chất giai đoạn 1, đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất kinh doanh, kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng trên tuyến du lịch Phan Thiết-Hàm Thuận-Đa Mi; làng nghề bánh tráng Phú Long đang chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo thuận lợi cho các hộ dân nâng cao tay nghề, ứng dụng công nghệ hiện đại, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu để tham gia xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bước đầu đã tiếp cận với nguồn vốn khuyến công để đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước tạo ra các sản phẩm lợi thế để hướng tới xuất khẩu.


Hoạt động thương mại-dịch vụ được mở rộng, lưu thông hàng hoá các vùng thuận lợi hơn. Dự án chợ Phú Long đang thực hiện đền bù giải toả, xây mới 12 chợ nông thôn, nâng tổng số chợ nông thôn đang hoạt động trên địa bàn huyện lên 32 chợ, tạo thuận lợi cho người dân có nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa, góp phần khắc phục tình trạng gây mất an toàn giao thông, nhất là trên tuyến Quốc lộ 28. Khu du lịch văn hoá ẩm thực Phú Long đang khuyến khích đầu tư phát triển để góp phần quảng bá sản phẩm và các món ăn nổi tiếng của địa phương như bánh hỏi lòng heo, bánh tráng, bún, phở... Khu thương mại-dịch vụ Hàm Thắng được lấp đầy các cơ sở sản xuất kinh doanh như Cửa hàng trưng bày giới thiệu ô-tô Trường Hải, Ngọc Tiến, kho hàng nhà máy bia Sài Gòn... góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Mạng lưới vận tải công cộng, dịch vụ bưu chính viễn thông, bảo hiểm... tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Năm 2010, nhiều công trình hạ tầng quan trọng được đầu tư xây dựng, tạo năng lực mới cho sự phát triển công nghiệp-TTCN, thương mại dịch vụ. Một số tuyến đường đang thi công như Phú Hội – Sông Quao, Đatro-Buôn Tàu Mỹ, Bình an-Ninh Thuận và phong trào làm giao thông nông thôn thực hiện bảo đảm giao thông trên 300 km đường liên xã, thôn xóm, trong đó tráng nhựa và bê tông 17 km . Mạng lưới điện Quốc gia mở rộng đến trung tâm các xã, thị trấn và hầu hết các khu dân cư trên địa bàn, với tổng chiều dài 389 km và có 39.148 hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, đạt tỷ lệ 95,08%. Hệ thống nước sinh hoạt được mở rộng với 8 hệ thống nước có tổng công suất 7.044m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hơn 35 nghìn hộ dân, đạt tỷ lệ 90,8%.


Trong 5 năm đến (2010-2015), tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hoá-hiện đại hoá. Với thuận lợi cơ bản của địa bàn tiếp giáp thành phố Phan Thiết đang phát triển. Đặc biệt, nội lực của huyện dồi dào với tiềm năng đất đai, khoáng sản, lao động; cơ sở hạ tầng được đầu tư phát huy tác dụng và nhiều chương trình dự án về quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực được chuẩn bị từ nhiều năm qua đã đến lúc triển khai thực hiện.Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định Chương trình trọng tâm số 2 có tính đột phá cho sự phát triển công nghiệp-TTCN trong 5 năm đến là chương trình phát triển 5 cụm công nghiệp: Phú Long, Ma Lâm, Tây Ma Lâm, Hàm Thắng, Hàm Đức; 2 Trung tâm thương mại-dịch vụ Phú Long và Ma Lâm; 2 khu du lịch Hàm Thuận-Đa Mi và Sông Quao. Vấn đề maáu choát laø thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư thực hiện đạt hiệu quả cao.

 

Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể
Phòng NN – PTNT – HTB - BT