Hoạt động khuyến công đã đi được chặng đường dài (5 năm), đã có nhiều thành quả khích lệ đáng ghi nhận. Tuy đã có nhiều đóng góp việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của từng địa phương, nhưng các đề án khuyến công quốc gia cũng như khuyến công địa phương vẫn chưa có tính qui mô hay trọng tâm khai thác về tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Theo ông Nguyễn Đình Hoàng Long - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương cho biết, thời gian qua, hoạt động khuyến công vẫn còn nhiều hạn chế về nội dung cũng như tổ chức thực hiện các đề án. Hoạt động khuyến công vẫn chưa thực sự là đòn bẩy cho công nghiệp nông thôn phát triển. Vì vậy, việc IPC 1 ra đời vào thời điểm này là rất cần thiết sẽ thúc đẩy việc xây dựng các đề án khuyến công mang tính qui mô vùng, ngành...
IPC 1 ra đời có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia khu vực miền Bắc (bao gồm 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra) phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp vùng, ngành; Tham gia xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản liên quan đến hoạt động khuyến công trong khu vực; Trực tiếp đào tạo hoặc liên kết đào tạo các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề khác có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong phạm vi được quy định. Bên cạnh đó, IPC 1 được phép tham gia kiểm tra giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công trong khu vực miền Bắc. Đồng thời, IPC 1 cũng có chức năng thực hiện các hoạt động tư vấn khuyến công (lập dự án đầu tư công trình, xử lý ô nhiễm môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng); Tư vấn các lĩnh vực marketing, quản lý, thiết kế, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi; Tổ chức các hoạt động tư vấn khuyến công tại trung tâm và các địa phương trong vùng, tổ chức nghiên cứu, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước... Để làm được điều này, ông Nguyễn Đình Hoàng Long cho rằng, IPC 1 trước hết phải nắm chắc thực tế của từng địa phương và phải phối hợp chặt chẽ với các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công các tỉnh để để trao đổi, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các đề án khuyến công trên địa bàn miền Bắc. Đồng thời, IPC 1 tăng cường nâng cao năng lực tổ chức để triển khai công tác khuyến công có tính chất vùng, miền.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc IPC 1 cho biết, năm 2010, IPC 1 tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức khảo sát đánh giá nhu cầu thực tế để thành lập các đề án khuyến công mũi nhọn, có lợi thế của từng địa phương. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (DNCNNT) và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Phối hợp với một số trường dạy nghề để đào tạo công nhân kỹ thuật một số nhóm nghề cho các doanh nghiệp đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, IPC 1 còn xây dựng chương trình đào tạo với một số trường đại học sư phạm kỹ thuật đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho lực lượng giáo viên, kỹ thuật viên tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhằm từng bước chuẩn hoá công tác đào tạo nghề CN-TTCN...
Cùng với việc đào tạo gắn với sản xuất thì việc xây dựng đề án điểm cũng được IPC 1 tổ chức phối hợp với các địa phương xây dựng các đề án khuyến công điểm có tiềm năng lợi thế, lồng ghép nhiều nội dung hoạt động từ các nguồn khuyến công quốc gia (KCQG), khuyến công địa phương (KCĐP) và các nguồn vốn khác để tạo dựng các mô hình điểm trên địa bàn, nhằm phát triển CN-TTCN theo hướng bền vững. Cụ thể: Xây dựng các đề án mô hình trình diễn kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí nông cụ và công nghiệp phụ trợ ở một số địa phương có ngành cơ khí phát triển; Mô hình trình diễn kỹ thuật trong ngành Dệt May, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất các phụ liệu, phụ kiện ngành may trên địa bàn các tỉnh đồng bằng Sông Hồng... Bên cạnh đó, IPC 1 còn phối hợp với các địa phương trong vùng, tổ chức khảo sát, đánh giá, tập hợp nhu cầu thực tế để lập đề án khuyến công của các nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế trong vùng như: Xây dựng mô hình trình diễn chế biến nông sản như: Chế biến gạo, chế biến chè tại một số tỉnh vùng Tây bắc, Đông bắc, đồng bằng Bắc bộ có phát triển vùng trồng nông, lâm sản tập trung, nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công cho những tỉnh miền núi phía Bắc có CN-TTCN chậm phát triển.
Nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho các trung tâm khuyến công và các cộng tác viên khuyến công trong vùng, IPC 1 lên kế hoạch tổ chức các khoá tập huấn nghiệp vụ khuyến công, nội dung chủ yếu như: Phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật mới; Kỹ năng xây dựng, tổ chức triển khai các đề án khuyến công quốc gia cho cán bộ làm công tác khuyến công, cán bộ quản lý khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn, các tổ chức dịch vụ khuyến công khác.
Không những nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công mà IPC 1 còn chú trọng đến công tác kêu gọi đầu tư hạ tầng tại CCN. Dự kiến trong năm nay, IPC 1 sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến công một số tỉnh, Ban Quản lý CCN tổ chức Hội thảo về “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng, quản lý cụm CN-TTCN”, nhằm chia sẻ kinh nghiệm về lập quy hoạch, kêu gọi đầu tư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường; Hội thảo về “Chia sẻ kinh nghiệm trong thành lập, quản lý, điều hành các hiệp hội, hội nghề CN-TTCN” có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội nghề CN-TTCN trong vùng.
Song song với việc thực hiện triển khai chuơng trình khuyến công vùng, căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển CN-TTCN tỉnh Nam Định, IPC 1 phối hợp với Sở Công Thương Nam Định và các đơn vị, tổ chức triển khai công tác khuyến công bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Tập trung vào một số chương trình khuyến công như: Đào tạo và nhân cấy nghề; Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật; Lập đề án tổng thể phát triển CN-TTCN sử dụng nguồn kinh phí khuyến công và các nguồn huy động khác để phát triển CN-TTCN tại xã Hải Đường - xã nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt của IPC 1 vừa qua, ông Đoàn Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã đánh giá rất cao và coi sự ra đời của IPC 1 có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hoạt động khuyến công của 28 tỉnh phía Bắc chuyển biến cả về lượng và chất. Tin rằng, với những mục tiêu đề ra, ICP 1 sẽ góp phần khai thác tiềm năng lợi thế của các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn của Nam Định nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.
CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG