Nằm ở vùng ngoại thành Hà Nội, làng Vũ Lăng thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai là một trong những làng nghề chuyên làm tượng gỗ, có lịch sử từ hàng trăm năm trước. Với hơn 400 hộ gia đình tham gia làm nghề, nghề tạc tượng gỗ đã trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho người dân tại làng.

Các tượng Phật tại làng có đủ mọi kích thước, từ loại bé chỉ bằng nửa thân người cho đến những bức tượng Phật cao vài mét. So với nghề tạc tượng truyền thống của cha ông trước kia, làng nghề Vũ Lăng hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi để có thể thích nghi với những biến đổi thị trường, nhưng với sự tâm huyết và cố gắng của những người thợ thủ công tại làng, tượng gỗ Vũ Lăng vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng của nó so với các làng nghề khác.


Là một trong những người thợ cao tuổi tại làng, ông Đào Trọng Điểm đã có nhiều năm gắn bó với nghề truyền thống này. Từ một tấm gỗ bản ban đầu, trải qua quá trình đẽo gọt, điêu khắc tỉ mỉ, những họa tiết dần được tạo thành, trước khi trải qua các công đoạn cuối cùng đánh nhẵn và phủ sơn. Theo ông Điểm, so với nhiều năm trước kia, thì hiện nay, sự hỗ trợ của máy móc đã đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình làm nghề, giúp ích cho việc nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên các loại máy này chủ yếu chỉ hỗ trợ ở các khâu cơ bản, còn đa phần các công đoạn vẫn có sự yêu cầu cao từ kĩ thuật của những người thợ thủ công.


Là sản phẩm chính và tạo nên tên tuổi của làng nghề, tượng gỗ của làng Vũ Lăng đều được tạo qua những công đoạn rất cầu kì, gỗ làm tượng chủ yếu là gỗ mít, sau khi ráp thành khối thô, người thợ sẽ sử dụng các dụng cụ của mình để đục, cắt phần gỗ thừa, tạo hình cho pho tượng. Đối với các sản phẩm tượng, do yêu cầu cao trong nghệ thuật tạo hình, nên không có sự can thiệp nhiều từ máy móc. Ngoài ra những người thợ còn phải phủ một lớp hỗn hợp gồm đất sét và sơn lên tượng, để hạn chế việc nứt nẻ gỗ và tạo thêm đường nét. Vì vậy nếu như những bức tượng nhỏ chỉ mất vài ngày để hoàn thiện, thì các bức tượng Phật to sẽ tiêu tốn hàng tháng trời.


Sau khi tạo hình xong thì công đoạn sơn phủ hay còn gọi là sơn son thiếp vàng cũng là một nét đẹp đặc trưng của làng nghề sơn tạc tượng nơi đây. Những  bức tượng khi hoàn thiện thường được đặt trong các phòng kín gió để đảm bảo chất lượng của lớp thếp vàng, và vẫn sử dụng loại sơn ta đặc trưng của làng nghề để tạo màu cho pho tượng. Chính vì thế yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động của làng nghề nơi đây.
Là một làng nghề có tính chất đặc biệt với những sản phẩm gỗ mang tính chất tâm linh như tượng Phật, bàn thờ, ngoài những khó khăn trong quy trình sản xuất và hoàn thiện sản phẩm, thì những khó khăn trong việc duy trì nét đặc trưng của ngành nghề truyền thống là rất quan trọng, đòi hỏi những người thợ thủ công tại đây phải tìm ra những thay đổi phù hợp để hỗ trợ cho sự phát triển làng nghề.


Những vấn đề về môi trường hay việc truyền nghề cho lớp trẻ luôn là điều quan trọng với bất kì làng nghề nào. Vì thế, không chỉ cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền, điều này còn cần có sự chung tay góp sức từ phía các gia đình làm nghề tại đây. Với những người thợ cao tuổi tại làng thì việc truyền lại những kĩ thuật tạc tượng cho các thế hệ tiếp theo là rất quan trọng, để ngành nghề truyền thống này không bị mai một.


Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề, bên cạnh việc tổ chức các mô hình, lớp học dạy nghề trong khu vực, chính quyền xã cũng thực hiện nhiều hỗ trợ để các đơn vị kinh doanh có thể tiếp cận được với các nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển sản xuất.


Do đặc thù làng nghề, trong quá trình tạc tượng gỗ, gia công, các hộ gia đình làm nghề tại đây thường tạo ra nhiều tiếng ồn, cũng như bụi gỗ, bụi sơn trong quá trình hoàn thiện, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh làng. Chính vì thế, chính quyền xã cũng đã có những biện pháp xây dựng các khu sản xuất tập trung, đảm bảo phát triển bền vững cho làng nghề.


Tuy rằng vẫn còn nhiều điều cần khắc phục và cải thiện, nhưng với những thay đổi hợp lý, nghề sơn tạc tượng của làng Vũ Lăng hiện nay vẫn cho thấy định hướng phát triển làng nghề phù hợp, giúp khẳng định thương hiệu của tượng gỗ Vũ Lăng trên thị trường trong nước, và tiến dần đến thị trường các nước lân cận.


 Bảo Khánh