Theo đánh giá của WB, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2009 - cao nhất Đông Nam Á - nếu tập trung vào hỗ trợ xuất khẩu và biết khai thác chính mình để vượt qua cơn bão tài chính toàn cầu

\"\"

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bản báo cáo cập nhập về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2009.

Theo đánh giá của WB, các quốc gia Đông Á bước vào cuộc khủng hoảng này với sự chuẩn bị tốt hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2007 và có sự chuẩn bị tốt hơn so với các nước đã phát triển.

Tài chính công, cân bằng đối ngoại, bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng, doanh nghiệp đã được củng cố và tăng cường trong thập kỷ vừa qua nhờ những cải tiến trong chính sách cơ cấu và kinh tế vĩ mô, nhờ sự chặt chẽ hơn trong cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng, điều hành doanh nghiệp tốt hơn, và quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong khu vực tư nhân.

Các nước này có một chính sách đúng đắn và mềm dẻo, đảm bảo khả năng cạnh tranh. “Nếu các nước Đông Á có thể vượt qua giai đoạn này, họ sẽ có cơ hội hơn để nắm giữ thị phần lớn hơn kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc nhiều vào cuộc khủng hoảng này kéo dài trong bao lâu”, ông Vikram Nehru - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á thuộc WB nói.

Nói về kinh tế toàn cầu, các chuyên gia WB cho rằng, thương mại thế giới sẽ tăng trưởng âm 2,1%, nhu cầu nhập khẩu suy giảm và đặc biệt, lần đầu tiên trong 25 năm, khối lượng mậu dịch toàn thế giới sẽ giảm sút.

Mặc dù có những dự báo không mấy sáng sủa về kinh tế toàn cầu, nhưng theo các chuyên gia của WB, Việt Nam có cơ sở để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2009.

Trong số các quốc gia đang phát triển ở Đông Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất tốc độ tăng trưởng kinh tế không bị sụt giảm so với 2008 và so với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều cơ hội dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong năm 2009 (trong khi tốc độ tăng trưởng của các quốc gia khác là: Thái Lan 3,6%, Malaysia 3,7%, Philippines 3%, Indonesia 4,4%, Singapore 1,2%).

Kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2008 đã chứng minh khả năng nhanh chóng hồi phục của nền kinh tế quốc gia. Thâm hụt tài khoản vãng lai đã bắt đầu giảm sau khi đột ngột tăng cao vào sáu tháng đầu năm 2008, điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chậm lại do các biện pháp điều hành của Chính phủ và sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ.

Tuy nhiên, với cả năm, thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam vẫn có thể tăng từ 10% GDP năm 2007 lên 13% GDP năm 2008 trước khi sút giảm vào năm 2009.

Ông Martin Rama, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: Tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế này, Việt Nam không phải là ngoại lệ, nhưng Việt Nam có một số gói giải pháp từ trước và phần nào thực hiện có hiệu quả. Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2009.

Theo đề xuất của các chuyên gia WB, hỗ trợ xuất khẩu là biện pháp cấp bách của Việt Nam trong điều kiện hiện nay và bên cạnh đó, biết tự “khai thác” chính mình với một thị trường bán lẻ hơn 80 triệu dân sẽ giúp nước ta vượt qua cơn bão tài chính toàn cầu.