Làng mộc Vĩnh Đoài, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) không có tiếng như các làng nghề mộc Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ... Nhưng mấy năm gần đây, làng mộc Vĩnh Đoài đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi, đưa sản phẩm mộc vươn sang cả thị trường nước ngoài.
 
 Đạt được kết quả này là nhờ làng nghề Vĩnh Đoài đã nhạy bén trong cơ chế thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, sáng tạo nhiều mẫu mã mới, đầu tư máy móc thiết bị phù hợp, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhiều mặt hàng như đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ trang trí nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ, các đồ khảm, đồ thờ, câu đối, hoành phi, cuốn thư…. đã có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, mới đây sản phẩm ván sàn, khung cửa đã được xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan...
 
          Hiện Vĩnh Đoài đã thu hút hơn 800 hộ làm nghề mộc, chiếm tới 70% số hộ trong làng, tạo việc làm cho 2.200 lao động địa phương và vùng lân cận.  Làng nghề đã thành lập được 34 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lớn với số vốn hàng trăm tỷ đồng. Những doanh nghiệp này đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập từ 1-3 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm của làng đạt hàng trăm tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng thu nhập toàn thị trấn. Nhờ phát nghề mộc, số hộ khá giầu của làng chiếm trên 96%; từ nhiều năm nay không còn hộ đói. 
 
          Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch 2,5 ha đất xây dựng cụm công nghiệp - TTCN tại thị trấn Yên Lạc, đi đôi với đầu tư xây dựng đường giao thông, điện, nước... Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều cơ chế chính sách giúp làng mộc phát triển như: miễn tiền thuê đất 3 năm đầu cho các cơ sở mới thành lập; các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được dùng giá trị quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng; được vay vốn ngân hàng lãi suất thấp để đầu tư, đổi mới công nghệ..../.
 
               Đào An