Theo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, vào trung tuần tháng 6 tới đây Công ty TNHH kéo sợi Jiangyin Zhenxin, Trung Quốc sẽ phối hợp với Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trong nước nhằm tìm đối tác đầu tư dự án sản xuất len sợi. Dự án có kế hoạch đầu tư dây chuyền có công suất từ 5.000 – 20.000 cọc sợi, năng lực sản xuất dự kiến từ 800 – 2.000 tấn sợi/năm. Về cơ bản, Jiangyin Zhenxin sẽ đầu tư máy móc và hỗ trợ công nghệ sản xuất và khoản vốn góp của Công ty là khoảng hơn 5 triệu USD.
Trước đó, hàng loạt các dự án lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã đổ vào ngành sợi như: Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Texhong (Hong Kong) đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 nhà máy sản xuất sợi với tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD; Công ty TNHH kyung Bang Việt Nam thuộc tập đoàn Kyung Bang (Hàn Quốc) đã đầu tư và đưa nhà máy sản xuất sợi (giai đoạn 1) vào hoạt động với vốn đầu tư 40 triệu USD…
Không kém cạnh về quy mô, các nhà đầu tư trong nước cũng không bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào ngành sợi. Đầu tháng 5 vừa qua, Công ty CP Sợi Thế Kỷ đã khởi công xây dựng nhà máy mở rộng chi nhánh Trảng Bàng giai đoạn 3 với tổng vốn đầu tư 33,9 triệu USD. Sau khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ cung cấp thêm khoảng 15.000 tấn sợi POY và 15.000 tấn sợi DTY mỗi năm.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy phép đầu tư cho dự án Nhà máy sợi tại phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đòn với công suất 30.000 cọc sợi/năm. Tập đoàn cũng đã ký biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh về việc nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy sợi tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh gắn với phát triển vùng nguyên liệu trồng bông trên cát; nghiên cứu đầu tư Khu liên hiệp Sợi – Dệt – Nhuộm sản xuất vải cao cấp tại Khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu…
Dòng vốn đầu tư liên tiếp đổ vào ngành sợi rõ ràng là do tác động từ yêu cầu “xuất xứ từ sợi” của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP. Theo đó, để được hưởng những ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào thị trường khối TPP, đặc biệt là những thị trường truyền thống của ngành dệt may Việt Nam như Nhật Bản, Mỹ… sản phẩm may mặc Việt Nam buộc phải đáp ứng được một tỷ lệ nội địa hóa nhất định. Thêm nữa, cho dù Việt Nam đứng trong top những quốc gia xuất khẩu sản phẩm dệt may nhiều nhất thế giới nhưng bản thân ngành dệt may có sự phát triển không đồng đều khi phần thượng nguồn (may) phát triển nhanh hơn rất nhiều phần hạ nguồn (nguyên, phụ, liệu)… Do đó, ngành sợi còn nhiều dư địa để đầu tư, phát triển.
Đáng lưu ý, cùng với các dự án dồn dập đổ vào ngành sợi mấy năm gần đây, nguồn cung sợi trong nước đã cải thiện đáng kể, thậm chí Việt Nam còn xuất siêu sản phẩm sợi. Bốn tháng đầu năm ngành dệt may đã xuất siêu 280 triệu USD sản phẩm sợi các loại.
Trước lo ngại có sự cạnh tranh lẫn nhau khi nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu, nhất là dự án sợi được đầu tư những năm gần đây, bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp ngành dệt may nỗ lực đầu tư cho phát triển nguyên phụ liệu nhằm có sự hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải cạnh tranh trong nội địa, để làm sao bứt phá trong thời gian ngắn nhất có thể, từ đó đón đầu các cơ hội khi TPP và các hiệp định thương mại khác được ký kết.
Việt Anh